Chai thời gian là cuốn tiểu thuyết của Prabhassorn Sevikul (một nhà văn Thái Lan). Cuốn sách là câu chuyện kể về 5 nhân vật : Nat, Porm, Chai, Eik, Jom từ lúc còn là học sinh cấp 2 cho đến khi trưởng thành. Trong 5 người thì Jom lớn nhất, hơn Nat và 3 người còn lại 3 tuổi. Mỗi nhân vật đều có mỗi số phận khác nhau, đều sinh ra và lớn lên tại Thái Lan vào thập niên 70. Năm nhân vật đều có những bi kịch riêng, người thì còn sống nhưng vật vờ, kẻ thì mãi mãi lìa xa cõi đời, đứa thì mất tích không biết đi đâu.
NHÂN VẬT TRUNG TÂM LÀ NAT – một đứa trẻ bất hạnh
Nat – cậu bé 13 tuổi sống cùng em gái có tên là Ning trong một gia đình hạnh phúc. Họ sống trong một ngôi nhà ven sông. Cứ tưởng hạnh phúc và niềm vui của gia đình sẽ cùng Nat trưởng thành nhưng bố và mẹ của Nat, chuyển nhà đến một nơi tiện nghi hơn và họ đã xảy ra nhiều tranh cãi thường xuyên. Nat và Ning mỗi ngày lớn lên và thường xuyên chứng kiến là cảnh bố mẹ gây gỗ, cãi nhau. Điều này trở thành những vết sẹo đầu tiên trong cuộc đời Nat và Ning, dù thời gian qua đi có phai mờ đi nhưng chẳng bao giờ biến mất trong tâm trí 2 đứa trẻ. Kết cục cuối cùng gia đình ly tán, bố mẹ ly hôn. Mỗi người đều tìm cho mình một tình yêu mới, chẳng ai thật sự quan tâm đến Nat và Ning. Cậu bé lớn lên với những trăn trở và suy nghĩ non nớt mà chẳng có bố hay mẹ dìu dắt và nâng đỡ. Nat phải tự trưởng thành, vừa làm anh vừa làm cha và mẹ của chính đứa em gái của mình mỗi khi em cần một chỗ “nương tựa tinh thần”. Cha đến sống với tình nhân, hai anh em Nat sống với mẹ nhưng rồi mẹ cũng rủ người đàn ông khác đến sống chung với 3 mẹ con. Nat và Ning chẳng bao giò thích tình nhân của bố và mẹ, trong thâm tâm hai đứa trẻ luôn bố mẹ quay về với nhau nhưng tất cả chỉ là vô ích.
Niềm yêu thích và hạnh phúc nhất của Nat là việc học vĩ cầm cùng với Jom dưới sự chỉ dạy của thầy Wa-thin. Nat cảm thấy vô cùng hạnh phúc, vui vẻ mỗi lần sau khi học vĩ cầm xong, em cùng Jom đến quán cóc ở bên kia đường, uống café và nghe bản nhạc Chai Thời Gian của Jim Croce phát ra từ chiếc máy hát tự động. Nat đã bắt đầu nảy sinh tình cảm và yêu mến Jom từ lúc ấy cho mãi về sau khi Jom chuyển sang Anh thì hình bóng Jom luôn in đậm trong tâm trí Nat. Trong một lần Jom mời Nat đến nhà chơi, Nat đã thực sự xúc động và muốn khóc khi chứng kiến ba mẹ của Jom tình tứ và hạnh phúc bên nhau. Nat đã ước rằng, mình sẽ được hạnh phúc vui vẻ như vậy. Nhưng cuộc đời Nat và Jom dường như chung một biến cố : gia đình ly tán, cha mẹ ly hôn. Cha Jom có vợ bé, và còn rước về sống chung với mẹ của Jom trong một ngôi nhà. Nhưng Nat chẳng bao giờ kể cho Jom nghe về nỗi bất hạnh của đời mình. Em thường xuyên nghe Jom kể về nổi bất hạnh của Jom hơn là nói về sự thiếu thốn tình cảm của em : “ Sự tan vỡ của gia đình khiến tôi cảm thấy không thoải mái khi gặp một người may mắn có được một gia đình ấm áp đầy tình yêu như thế”. Trong một lần ở lại nhà cùng với bố và tình nhân, Nat đã hỏi bố sao không quay về với mẹ, thì ông đã trả lời : “Tất cả chúng ta đã đi quá xa, khỏi điểm bắt đầu rồi và không ai có thể quay lại quá khứ. Lựa chọn duy nhất là phải học cách làm quen với loại tình huống này khi chúng ta trưởng thành và tiếp tục sống thôi”
CHIẾC VĨ CẦM BỊ ĐẬP VỠ – NAT LẠI SỐNG KHÉP KÍN HƠN
Trong một lần bố Nat trở về nhà, ông và mẹ Nat lại cãi nhau. Đồ đạc bay tứ tung, Mẹ Nat đã cầm cây vĩ cầm đập vỡ tan tành : “Bà cầm cây vĩ cầm đánh bố Nat, cây đàn vỡ ra từng mảnh, Nat khuỵu xuống sàn nhặt từng mảnh vỡ, có một thứ đã tan nát không bao giờ còn có thể hàn gắn lại” . Bị mẹ đập vỡ cây đàn, Nat cũng không đến lớp học đàn của thầy Wa-thin, cũng không gặp Jom từ lúc ấy. Em quay về chơi với 3 đứa bạn cùng lớp là Porm, Chai, Eik.
BI KỊCH CỦA TỪNG ĐỨA TRẺ KHI KHÔNG CÓ ĐƯỢC TÌNH THƯƠNG VÀ THẤU HIỂU
Chai là anh bạn nóng nảy và ăn nói bổ bã nhất trong nhóm, cả đời Chai lớn lên trong cái bóng của cha em. Mẹ Chai luôn kể về ông ấy với tình cảm tuyệt vời, bà đặt cả niềm hy vọng vào Chai. Vì cha của Chai là một người lính nên mẹ Chai lúc nào cũng muốn Chai lớn lên sẽ trở thành một người lính. Điều này ám ảnh và gây ra áp lực cho Chai từ lúc nhỏ đến lớn, đến nỗi mỗi khi vui chơi cùng bạn bè hay đi đến đâu thì Chai đều hái hoa cài lên vai mình như một quân hàm của một người lính. Nhưng rồi biến cố xảy ra, trong một trận thi đấu bóng đá ở trường, Chai bị chơi xấu và phải đi khập khiển vĩnh viễn suốt quãng đời còn lại. Niềm hy vọng trở thành người lính tan vỡ, tình cảm mẹ con của Chai dần xa cách. Rồi đến khi 18 tuổi, Chai trượt đại học và gia nhập một nhóm biểu tình chống chính quyền và đứng gần một quả bom phát nổ. Chai chứng kiến những người bạn của mình cùng đi biểu tình ra đi vĩnh viễn. Cơ thể của họ bị bom tác động không còn nguyên vẹn, đứa mất đầu, đứa đi bệnh viện. Trong đó có cả Prom bị thương và nhập viện. Chai trở nên “điên loạn”, “sang chấn tâm lý” và bỏ đi biệt tích sau lần đến nhà Nat kể về sự kiện ấy. Gia đình của Chai cũng như Nat không biết Chai đi đâu, còn sống hay đã mất.
Eik sinh ra trong một đình có nghề buôn bán tạp hoá và đứa ít nhất cũng sống bình yên và hạnh phúc khi có cả cha và mẹ. Eik là đứa đậu đại học duy nhất trong đám bạn 4 đứa và hoàn thành việc học theo sở thích của mình nhưng rồi lớn lên cũng tách biệt với nhóm bạn sau này vì Eik muốn tập trung cho việc học.
Porm là cô nàng tom-boy, với vẻ bề ngoài “nam tính” đầy bạo lực. Em lớn lên cùng một người mẹ đơn thân và mẹ cũng chẳng quan tâm gì đến em. Porm lúc nào cũng thích đọc sách và mỗi khi gặp bạn bè trong một tình cảnh nào thì em đều trích dẫn một câu thơ của Khalil Gibran hay trích dẫn một câu trong cuốn sách từng đọc. Porm luôn là người sống có lý tưởng, luôn đấu tranh cho những người bị xã hội chối bỏ, tham gia hầu hết cả cuộc biểu tình chống chính quyền. Trong một lần tham gia biểu tình cho một nhóm công nhân, em bị chính quyền bắt giam và tra tấn. Chỉ có Nat đến thăm Porm, và nói chuyện với em. Nat cũng chẳng biết rằng Porm đã “thương thầm” mình. Porm nhưng chẳng bao giờ thừa nhận hay bộc lộ cảm xúc gì với Nat. Nat cũng chẳng quan tâm, chỉ nghĩ Porm chỉ là người bạn bình thường. Ngày Porm ra khỏi trại, Nat xuất hiện và chở Porm về nhà trên chiếc xe máy mà mẹ đã mua cho Nat. Đó khoản thời gian hạnh phúc vui vẻ nhất của Porm. Sau này khi tham gia cuộc biểu tình với Chai và bị bom dội trúng khiến Porm nhập viện, nằm trong giường bệnh chờ tử thần đến thì hình ảnh về Nat luôn hiện lên trong tâm trí của Porm. Nhưng rồi Porm cũng ra đi vĩnh viễn, không một ngày thức dậy.
Nat cũng trượt đại học mỹ thuật vì Nat có niềm cảm hứng đặc biệt với hội hoạ, mỗi khi rãnh rỗi Nat hay thường vẽ tranh nhưng mẹ Nat không bao giờ muốn Nat học trường hội hoạ, điều này đã khiến cho tình cảm mẹ con thêm xa cách. Trong một lần cùng Chai đến Nong Khai sau kỳ thi đại học, thì Nat lại gặp lại thầy Wa-thin (dạy nhạc ở trường cũ nơi Jom và Nat cùng học vĩ cầm) ở đây. Sau khi gặp thầy Wa-thin, ông khuyên Nat ở lại đây cho đến lúc nào thoải mái nhất. Nat cũng muốn như thế, em cần tìm một nơi tránh xa “nỗi đau thực tại : trượt đại học, gia đình tan vỡ, niềm vui và hạnh phúc không biết chia sẻ cùng ai”. Chính trong thời gian ở với thầy Wa-thing, Nat bộ lộ năng khiếu về hội hoạ của mình nhờ vào sự chỉ dẫn của thầy Wa-thin. Từ đó niềm cảm hứng, yêu hội hoạ càng ngày càng lớn trong Nat. Trong một lần đọc báo hay tin Jom đang ở Băng Cốc, thì em trở về Băng Cốc để tìm và gặp Jom. Nhưng Jom luôn tránh mặt vì những biến cố gia đình. Jom sống phiêu dạt, không trở về nhà nhất là trong một lần cô ấy đã lấy súng doạ người tình của cha để bảo vệ mẹ. Nat lúc nào cũng khắc khoải hình bóng Jom, nghe thấy ai nói nhìn thấy Jom ở đâu thì Nat đều đến chỗ đấy “ăn giầm nằm dề” để chờ ngày gặp Jom nhưng tất cả đều vô ích. Nat chẳng bao giờ gặp lại Jom cho mãi đến sau này. Chỉ một lần Jom gọi điện thoại và thông báo chị chuẩn bị làm mẹ và sẽ trở lại Anh khi đã thành một người mẹ đơn thân khi nghe tin mẹ chị đã mất và tình nhân của cha độc chiếm cả gia tài. Hai người chẳng có một cuộc chia tay và nói chuyện thân thiết với nhau một lời nào.
Nat bị mẹ ép vào một trường đại học Luật chứ không phải trường hội hoạ. Dù không thích nhưng Nat cũng lê lết qua mấy năm đại học và cuối cùng cũng được tấm bằng nhưng đời Nat chẳng bao giờ vui vẻ khi Porm đã mất, Jom đã sang Anh, Chai bỏ đi biệt tích, Eik sống khép kín không gặp ai. Mối tình “chị em” vẫn luôn đau đáu trong lòng Nat mà chẳng bao giờ nguôi.
LỜI KẾT
Có những thời điểm trong cuộc đời , tất cả những điều tốt đẹp đều sẽ lần lượt nhạt phai. Giống như một bản nhạc – dù hay tới đâu cũng sẽ có lúc phải dừng lại. Lúc đó, tất cả những điều mà chúng ta đã cùng nhau trải qua trong suốt thời niên thiếu tươi đẹp ấy chỉ còn là một cái bóng quá khứ trên mặt nước thời gian – lộng lẫy, xa vời và chẳng gì ngoài ảo ảnh, chỉ có thể ngắm nhìn và chẳng thể nào đưa tay chạm vào mà không phá vỡ sự phản chiếu mong manh. Tôi đọc Chai Thời Gian cứ tưởng đang đọc tiểu thuyết của Nhật nên đôi lúc phải định hình lại đây tiểu thuyết của Thái Lan. Vì nó gần giống như tiểu thuyết của Rừng Nauy khi tên tiểu thuyết cũng là tên của một bài hát, bối cảnh tác phẩm cũng giống như nhau thập niên 60s và 70 và trong tiểu thuyết đều có những cuộc biểu tình, chống chính quyền và đặc biệt là là những nhóm bạn chơi với nhau từ thời học sinh cho đến khi trưởng thành. Một điều khác ở Chai Thời Gian là không tì.n.h.d.ục, không t.ự s.á.t nhưng cũng có cái chết chia lìa, cái ly biệt mãi không bao giờ gặp lại.
Khi gấp sách lại tôi tưởng tượng ra từng khung hình như những thước phim quay chậm của thời gian. Đó cảnh Nat và Ning ngồi bên cạnh mẹ chờ bố về, cảnh Nat phải dẫn em mình – Ning đi phá thai mà sau này Ning mất luôn khả năng làm mẹ. Cảnh căn tin trường vắng lặng một mình Porm ngồi chờ 3 đứa bạn học môn tự chọn rồi cùng nhau đi xe buýt về. Cảnh thầy Wa-thin chơi bản nhạc “cây bồ đề buông mành” đầy tâm trạng. Cảnh Ning ngồi một mình lặng lẽ dưới mưa đến khi gặp Nat và nói : “Em cô đơn, Em chẳng có ai cả”. Cảnh Nat thường xuyên trốn học đên quản trường Siam để tận hưởng sự cô đơn “Có thể là tôi đã trở thành đã trở nên thân quen với nơi này hơn bất kỳ nơi nào khác từ cái thời khắc mà tôi không chịu đựng nổi mái nhà của mình nữa và bắt đầu lang thang sau giờ học.”
Cảnh Jom và Nat ngồi trong quán cà phê ọp ẹp bỏ từng đồng xu vào máy nghe nhạc để mở bài Chai Thời Gian nghe đi nghe lại, cảnh quan tài màu trắng của Porm, cảnh Chai ôm đầu kể về cái ngày định mệnh bị dội bom, hay cảnh cả 4 đứa bạn cùng nhau chơi ở bãi biển…. Từng khung cảnh nếu có thể đóng chai được thì đến khi trưởng thành hay gặp biến cố thì ta có thể lấy ra để ngắm nhìn, ôn lại kỷ niệm. Chai thời gian mở đầu truyện được bật lên trong quán cà phê ấy là tổng hoà của những bế tắc liên tiếp nối với nhau thành một chuỗi dài bi kịch của Nat và mỗi người bạn của em. Cuối cùng thì chẳng có một ai thật sự hạnh phúc, vui vẻ.
Đời thì ai chẳng mong muốn có đầy đủ tình thương của cha và mẹ nhưng đôi khi có những người không được như vậy, mỗi khi đi đâu hay gặp những tình cảm gia đình thắm thiết với một con người thiếu hụt tình cảm ấy thỉ lúc đó họ sẽ xúc động da diết. Những đứa trẻ lớn lên trong nghịch cảnh, lúc nào cũng phải tự trưởng thành thật nhanh. Chúng sẽ có 2 trường hợp trải qua : một là tự huỷ, hai là trở nên bản lĩnh và kiên cường hơn.
=>Xin trích dẫn ở bìa sau trang sách, đoạn mô tả khung cảnh rất hay
“Tôi vẫn hay tự hỏi mình câu hỏi cũ ấy, rằng nếu tôi có thể giữ thời gian đứng yên, liệu tôi có thể có được tất cả những gì mình mong ước… Tôi vẫn còn nhớ những ngày chúng tôi đi bộ trên con đường rợp bóng cây kèn hồng; những ngày nắm tay nhau làm thành một đoạn xích để một đứa với ra rìa đầm lầy hái đài sen rồi chia nhau ăn; những ngày túm cặp của nhau không cho đứa nào lên xe buýt trước; và tất cả những ngày Jom cùng tôi sánh bước, khoác trên vai hộp đàn đến quán cóc, nơi mà chúng tôi sẽ nhét hàng đống xu vào máy hát nghe “Chai thời gian” hết lần này đến lần khác.
[…] Nếu cất được thời gian trong chai
Điều đầu tiên tôi mong được làm
Là chắt chiu dành dụm từng ngày
Cho tới khi vĩnh hằng trôi qua
Chỉ để dành trọn chúng bên em…”
————–
- Làm lồng đèn ống lon của ngày xưa thập niên 90s - September 24, 2023
- Sống lạc quan theo triết lý khắc lỷ và chủ nghĩa hiện sinh - September 24, 2023
- 19 quy luật để có một cuộc sống tốt đẹp từ Marcus Aurelius - September 23, 2023