baner nner

Tản mạn chuyện đời cùng “nếu biết trăm năm là hữu hạn”

nếu biết trăm năm là hữu hạn

Những ngày cuối năm dương lịch 2022, để chào đón năm mới 2023 với những cảm xúc mới, tôi lại chọn cuốn sách này “Nếu biết trăm năm là hữu hạn” của Phạm Lữ Ân (bút danh chung của đôi vợ chồng – với chồng : Phạm Công Luận và vợ : Đặng Nguyễn Đông Vy ) để kết thúc một năm với những dòng “hồi tưởng – nhận định – thức tỉnh” về tuổi trẻ, thanh niên và cuộc sống hiện tại của chính mình.

Nội dung trong cuốn sách là những cảm xúc, tình huống mà tác giả đã từng trải qua, hay qua những trường hợp mà người bạn của tác giả từng gặp và tiếp xúc. Đó là người em, người bạn cấp 3, người bạn đại học hay một người nào đó mà tác giả hay dùng – BẠN VONG NIÊN (có tiếng hoa là 忘年 với ý nghĩa là không phân biệt tuổi tác, tức là bạn bè từ nhỏ, đến lớn, đôi khi trẻ tuổi hoặc lớn hơn tác giả). Những câu chuyện trong đây đều là cảm xúc của tác giả và không sáo rổng hay uỷ mỵ như tác giả chia sẻ : “Những bài viết này không giáo điều, không xã giao. Nó không phải là sáng tác, cũng không phải là những bài báo đơn thuần cung cấp thông tin. Đó là những bài viết từ đáy tim.”

Đọc những bài viết của Phạm Lữ Ân tôi như tìm lại những ký ức về tuổi thơ của chính mình đó những kỷ niệm tuổi học trò, đó là những cảm xúc của tuổi trưởng thành khi mình còn cậu thanh niên 16 – 18 tuổi. Tôi bất giác “sựng lại” khi đọc dòng này :

“Nếu bạn không cảm thấy bình yên khi nhớ về thời thơ ấu, thì chẳng có tháng ngày nào nữa trong cuộc đời bạn có thể cảm thấy bình yên” (trang 31). Một phút chiêm nghiệm nhìn lại đời mình, nghĩ về thời thơ ấu….

Ai trong chúng ta đều phải qua cái tuổi trưởng thành, và bạn có bao giờ tự hỏi trưởng thành là gì và trưởng thành có bao nhiêu lần trong cuộc đời mỗi chúng ta :

“Bạn hỏi rằng làm sao để biết mình đã trưởng thành hay chưa ư ? Tôi sẽ nói bạn nghe điều tôi nghĩ : bạn trưởng thành khi bạn đủ mạnh mẽ để trở thành một điểm tựa, dù là điểm tựa của bất cứ ai, kể cả chính bản thân mình – đây là điều tối quan trọng, bởi sẽ có những lúc không ai tin ta, ngoài chính bản thân ta. Không ai an ủi ta và không ai vực ta dậy ngoài chính bản thân mình. Sự trưởng thành có điểm khởi đầu, nhưng không có điểm kết thúc. Chúng ta học và trưởng thành hơn qua mỗi ngày.” (Trang 231)

Rồi khi ta trưởng thành, rời xa mái trường, giảng đường và gia nhập xã hội. Chúng ta nhận ra rằng, chúng ta phải thích nghi với những quy tắc xã hội. Ta nhận ra rằng :

“Điểm khác biệt giữa trường học và cuộc đời là gì ? Ở trường bạn được dạy một bài học và sau đó được làm bài kiểm tra. Trong cuộc đời, bạn được cho một bài kiểm tra và nó sẽ dạy bạn một bài học” (Trang 78)

Rồi khi bạn ra ngoài xã hội, gia nhập một công ty hay tập đoàn nào đó, nhưng rắc rối bắt đầu, bạn bị đồng nghiệp hay bạn bè nói xấu, thậm chí là chơi xấu. Rồi bạn tự hỏi mình đã làm gì sai nhưng hãy đọc đoạn sau :

“Hãy tin tôi bạn nhỏ, rằng không ai có cuộc đời tròn trịa đến mức chưa từng bị chơi xấu, không có nghĩa ta đã làm gì sai. Có một câu nói mà tôi thấy lý thú : mong đợi cuộc đời đối xử tốt với bạn vì bạn là một người tốt cũng giống như mong rằng con bò đực đang nổi giận sẽ không tấn công bạn chỉ vì bạn là người ăn chay” (trang 80).

Giữa biển người bao la vô tận, giữa thế giới hơn 8 tỷ người thì :

“Giữa những người lạ, ta cần một người quen, giữa những người quen, ta cần một người yêu. Giữa những người yêu, ta cần một người hiểu. Giữa những người hiểu, ta cần một người tin. Tin và được tin. Như thế, yêu chưa phải là “một kết cục có hậu” của một đời người. Yêu mới chỉ là một nửa chặng đường dài mà thôi. Chúng ta cần nhau, trước hết là để yêu nhau nhưng không chỉ là để yêu nhau. Chúng ta cần nhau cho một cuộc khám phá rất sâu, một cuộc phiêu lưu rất dài. Hôn nhân chính là bằng chức cao nhất cho sự cần nhau đó.” (Trang 90)

Khi nói về cuộc sống, nhân sinh, lối sống như thế nào trong thời đại ngày nay thì tác giả lại nói đến quyền lựa chọn : “Bởi cuộc đời này có quá nhiều điều thú vị mà chúng ta có thể trải nghiệm, nên việc chọn lựa không bao giờ dễ dàng đối với bất cứ ai. Thường thì để lựa chọn đúng, người ta cần một trong 2 thứ là sự may mắn hoặc sự khôn ngoan. Trí thông minh tuy là thiên bẩm nhưng chưa chắc đã mang lại hạnh phúc nhưng khôn ngoan thì có thể. Khôn ngoan là biết cách phát huy tối đa năng lực và phẩm chất của bản thân để đạt được lợi ích một cách toàn diện, không chỉ về vật chất mà còn về tinh thần, không chỉ danh lợi mà còn danh dự, không chỉ địa vị mà còn lòng tôn trọng, và cả lòng yêu thương. Khôn ngoan là biết tránh xa những gì có thể gây ra thiệt hại, không chỉ về vật chất hay danh lợi. Khôn ngoan không phải thiên bẩm mà là những điều chúng ta cần phải học, luôn có cơ hội để được học bằng cách tích luỹ từng chút mỗi ngày, mỗi phút những kinh nghiệm từ chính cuộc đời mình. Hoặc sẽ tốt hơn nhiều nếu chúng ta học được từ cuộc đời người khác hay lịch sử.”

Còn nhiều những câu chuyện mà tác giả muốn gửi gắm quá từng câu chữ đó là cách đối nhân xử thế, cách xử lý những thất bại, những kỷ niệm “mệt mỏi” thời thơ ấu hay nhưng điều khó xử đời thường. Cuộc sống hưởng thụ là gì, liệu hưởng thụ có gì sai hay những bức tranh về đỗ vở hôn nhân cùng cách xử trí trái tim.

Hay như cuộc đời này chỉ toàn là ảo giác, những cái thật chính là bản thân mình : “Nếu người ta ngưỡng mộ anh chỉ vì anh viết ra những điều hay ho trong khi chẳng biết anh là ai thì hãy nhớ đó chỉ là ảo giác. Bởi sẽ có 1 ngày anh viết dở tệ và sự ngưỡng mộ đó tan vào hư không” và rồi người ta sẽ chẳng cò thích anh nữa. (Trang 201)

Với những người hoài niệm, suy tư về quá khứ thì tác giả lại nhắc nhở : “Nỗi nhớ và ký ức, đôi khi giống như một cái bẫy, nó đánh đắm chúng ta trong quá khứ dù ngọt ngào hay đắng cay”(Trang 25)

Tôi đã đọc trong 2 ngày cuối năm, mãi đến giờ mới có thời gian ngồi viết lại cùng cảm nhận của chính mình, để chia sẻ cho những ai đang vướng mắc một trong những trường hợp như những bài viết trong cuốn sách này. Ngoài những câu chuyện, tác giả còn trích dẫn những đoạn trích trong các tác phẩm văn học hay cuốn sách khác như : Đại gia Gastby của F. Scott Fitzgerald, nhà văn Oscar Wilde, đó là tiểu thuyết Suối Nguồn của Ayn Rand, rồi tiếu thuyết Ruồi Trâu của Ethel Lilian Voynich qua đoạn trích : “ Ràng buộc con người không phải là lời thề. Chỉ cần mình tự cảm thấy thiết tha với một điều nào đó, thế là đủ rồi”… còn nhiều nhà văn, và từng cuốn sách khác nữa.

Đoạn kết tôi xin trích dẫn đoạn kinh điển mà mọi người đã từng nghe, thấy ở đâu đó trong cuộc đời : “nếu biết trăm năm là hữu hạn”

“Cuộc đời cũng giống như hơi thở vậy thôi. Ta không thể hít một hơi dài quá khả năng của mình. Nhưng ta có thể hít sâu hết khả năng của mình trong từng hơi thở…..nếu biết trăm năm là hữu hạn, cớ gì ta không sống thật sâu”

——————-

Chim Én

(Sài Gòn 02/01/2023)

Chim Én

Leave a Reply

Your email address will not be published. Required fields are marked *