baner nner

Cổ Long nói về hình tượng và nhân vật tiểu lý phi đao

tiểu lý phi đao

Tiểu lý phi đao là bộ tiểu thuyết thành công của nhà văn Cổ Long nhưng ông chia sẻ khi viết tiểu thuyết này thì ông còn không biết Lý Tầm Hoan là người như thế nào và đến cả phi đao mà Y sử dụng thì Cổ Long còn không biết nó có hình dáng ra sao .

Tiểu thuyết không phải do máy móc tạo nên, việc sáng tác tiểu thuyết cũng không có một quy tắc hay trình tự nhất định. Lúc thì có câu chuyện trước mới có nhân vật, vì cấu tạo nên câu chuyện mới hình thành một số nhân vật. Có khi lại có nhân vật trước sau đó mới dựng thành câu chuyện, trước hết nghĩ ra một số nhân vật mang tính đột phá, từ tính cách tư tưởng hành vi của họ mới sinh ra câu chuyện.

“Đa Tình Kiếm Khách Vô Tình Kiếm” thuộc loại thứ hai. Tôi đã có khái niệm về một “Tiểu Lý Phi Đao” từ rất lâu, ban đầu chỉ là hình bóng mơ hồ, từ từ mới biến thành một “con người”.

tác giả Cổ Long

Cho đến khi tôi bắt đầu viết, y đã là một “con người” có tư tưởng độc lập của chính y, hành vi của y hầu như không còn chịu sự khống chế của tôi nữa. Đại khái thì những người viết tiểu thuyết đều từng trải qua kinh nghiệm như thế. Khi nhân vật trong tiểu thuyết của mình không còn chịu sự khống chế của mình nữa, cảm giác này thật sự rất kỳ diệu.

***

“Tiểu Lý Phi Đao” xuất thân danh giá, là một vị thám hoa.

Y mắc bệnh phổi, suốt ngày ho không ngừng. Y không được uống rượu, nhưng lại suốt ngày uống rượu không ngừng.

Vì tâm trạng của y vô cùng u uất.

Y có tên Lý Tầm Hoan, nhưng cái y tìm được, rốt cuộc chỉ là phiền não.

Y thường bạc đãi bản thân, hy sinh bản thân để thành toàn cho người khác, nhưng trong lòng y vẫn luôn đau khổ vì những chuyện ấy. Bởi vì, dù sao y cũng chỉ là con người, không phải thần thánh.

Chỉ cần là con người, ắt không tránh được những nỗi đau và mâu thuẫn trong lòng.

Những gì y làm, không phải y thực tâm muốn làm như thế. Việc hy sinh bản thân để thành toàn cho người khác tuyệt đối không phải chuyện khoái lạc gì. Nhưng rốt cuộc y vẫn làm.

Tôi cho rằng đây là một điều vô cùng quan trọng.

Nếu một người chỉ “muốn” mà không “làm”, bất luận cách nghĩ của hắn vĩ đại đến đâu thì cũng vô dụng.

Khi viết về “Tiểu Lý Phi Đao”, tôi hoàn toàn không định biến y trở thành vị thần không tỳ vết.

Tôi chỉ viết về một con người, một người có máu có thịt có nước mắt, có ưu điểm và nhược điểm. Đời người ai cũng có một số nhược điểm không thể tránh khỏi, không ai có thể phủ nhận.

***

tiểu lý phi đao

Không ai biết con dao của “Tiểu Lý Phi Đao” dài bao nhiêu và nặng bao nhiêu? Hình dáng như thế nào? Cũng không ai biết y dùng thủ pháp gì?

Bởi vì chính bản thân tôi cũng không biết.

Đại đa số sự việc càng mơ hồ lại càng trở nên hoàn mỹ hơn, huống hồ “Tiểu Lý Phi Đao” không chỉ đơn giản là vũ khí thần bí nào đó, mà đây còn là biểu tượng — một loại biểu tượng về sức mạnh tinh thần, một loại biểu tượng về sức mạnh chính nghĩa.

Trên thế giới này có rất nhiều sự việc tốt đẹp đều nhờ vào thứ sức mạnh như thế mới tồn tại cho đến giờ.

***

Bản thân tôi cũng không biết rằng tôi viết nhân vật này là thành công hay thất bại. Tuy có rất nhiều người yêu thích y, nhưng Âu Dương Doanh tiên sinh (*), một người đã đọc tiểu thuyết của tôi suốt mười mấy năm có viết một bài luận về “Tiểu Lý Phi Đao”, trong đó cho rằng y là một kẻ “đạo đức giả thích khoe mẽ”. Về điểm này, sau này tôi sẽ viết một bài để thảo luận cùng Âu Dương tiên sinh.

Dù sao đi nữa, ít ra “con người” này vẫn còn chút giá trị thảo luận.

(*) Nhà khoa học nữ của Hong Kong, là một trong những người tiên phong bình luận về Cổ Long, nổi tiếng qua bài luận “Bàn về tiểu thuyết võ hiệp của Cổ Long” và “Biên Thành Lãng Tử — Thiên Nhai – Minh Nguyệt – Đao”.

2.

Mấy ngày trước tôi gặp La Văn, anh ta đặc biệt tặng cho tôi dĩa hát “Tiểu Lý Phi Đao”.

Anh ta tuyệt đối không phải loại người giống như “Tiểu Lý Phi Đao”. Cuộc sống của anh vô cùng sinh động, vinh quang và có sức hấp dẫn. Khi hát về những bi thương của “Tiểu Lý Phi Đao”, là hát trong tình trạng đang hưởng thụ một cuộc sống vô cùng sinh động và vinh quang.

Tôi chưa từng nghĩ sẽ có người thể hiện được phong cách của “Tiểu Lý Phi Đao” qua giọng hát.

Nhưng anh đã thành công rồi. Vì anh có phong cách của chính mình.

Thành công tuyệt đối không phải chỉ là sự tình cờ.

*****************

Trích : “Ai cùng tôi cạn chén” – Cổ Long

Bài viết được đăng vào ngày 1-6-1978 trên tờ báo Đại Thành kỳ số 55, Hong Kong. Cùng năm đó, đài truyền hình TVB khởi chiếu phim Tiểu Lý Phi Đao với bài hát chủ đề do La Văn thể hiện.

Chim Én

Leave a Reply

Your email address will not be published. Required fields are marked *

%d bloggers like this: