Kim – Cổ – Lương : Luận về nội dung tác phẩm, Lương Vũ Sinh và Kim Dung chú trọng đến việc thể hiện hoàn cảnh lịch sử, từ đó phát triển ra hư cấu nên những câu chuyện kết nối nhau. Cũng từ việc sử dụng các tư liệu lịch sử ấy, nhưng giữa Lương Vũ Sinh và Kim Dung cũng có sự khác biệt.
Sự kiện lịch sử trong tác phẩm của 3 tác giả
Lương Vũ Sinh hư cấu nhân vật và sự kiện đặt thẳng vào trong bối cảnh lịch sử, dùng nó để nhấn mạnh không khí lịch sử; trong khi Kim Dung thì lấy hẳn nhân vật lịch sử đặt vào vũ lâm, biến một nhân vật lịch sử thành một nhân vật tiểu thuyết, hư cấu thêm các sự kiện, khiến cho người đọc đôi khi không còn biết đâu là lịch sử đâu là hư cấu nữa. Hai người đều vận dụng lịch sử, đánh giá và nhận thức lại lịch sử.
Tuy nhiên nếu xét về hàm lượng lịch sử trong tác phẩm thì có thể nói Kim Dung cao hơn Lương Vũ Sinh một bậc. Kỹ xảo sáng tác cũng cao minh hơn nhiều.
Tiểu thuyết vũ hiệp của Cổ Long thì hầu như quẳng lịch sử sang một bên, không chịu bất kỳ sự câu thúc nào, cứ theo cảm xúc mà viết, dựa vào cảm nhận của mình mà kiến tạo nhân vật cũng như tình tiết. Tiểu thuyết của Cổ Long không chú trọng đến việc nhìn lại lịch sử, mà chú trọng đến con người hiện tại. Tình cảm và quan niệm của người hiện đại trong tác phẩm khiến cho tiểu thuyết của Cổ Long vừa khoáng đạt lại vừa thâm trầm.
Tính cách nhân vật
Chỉ nói riêng về khuynh hướng chủ đạo của nhân vật, nhân vật trong tác phẩm của Lương Vũ Sinh mang nặng sắc thái đạo đức, chính tà phân minh, nội hàm xã hội trong nhân vật phong phú, như tính cách nhân vật lại đơn nhất, gần như là được nâng lên thành khái niệm thành công thức.
Các nhân vật của Kim Dung thì tính cách phức tạp, có vẻ như hơi trái ngược với cách viết truyền thống, nhân vật lúc chính lúc tà, bị treo lơ lửng trên sợi dây đạo đức nhưng không bị rơi xuống, tính cách phức tạp và mâu thuẫn. Tuy nhiên, sự phức tạp và mâu thuẫn trong tư tưởng và tính cách của các nhân vật này lại có nguồn gốc từ sự phức tạp và mâu thuẫn của cuộc sống như vậy, tính cách của nhân vật đã mang đậm tính cách xã hội.
Tác phẩm của Cổ Long lại chú trọng đến sự thể nghiệm tính cách nhân vật, ông thường dùng bút pháp tinh tế để miêu tả những tình cảm vi diệu và phức tạp của nhân vật, thường dùng các phạm trù đối lập nhau như sinh và tử, hạnh phúc và khổ đau để khắc họa tính cách cao quý, được nhìn thấy qua diễn biến trong nội tâm của nhân vật, dùng nó để vạch ra ý nghĩa của cuộc sống và chân lý của nhân sinh.
Trong tiểu thuyết của Cổ Long, thường thấy sự mâu thuẫn giữa ngoại mạo và nội tâm, các nhân vật chính thường có bề ngoài quái đản, thần bí, hành sự cố chấp, tính khí cao ngạo nhưng lại là kẻ chí tình, thậm chí đa tình. Những biểu hiện này có liên quan mật thiết đến thân thế, tâm cảnh và cuộc sống của Cổ Long.
Tình tiết trong tác phẩm
Nói đến tình tiết trong tác phẩm, tiểu thuyết của Cổ Long, Lương Vũ Sinh và Kim Dung cũng có sự khác biệt lớn. Ba vị đại gia này đều giỏi về hư cấu cốt truyện, tình tiết trong tác phẩm của họ đều khúc chiết, biến đổi khó lường, như một mạch nước ngầm vươn xa vạn dặm, các tình tiết liên kết chặt chẽ với nhau.
Tiểu thuyết của Lương Vũ Sinh thì đầu voi đuôi chuột, mở đầu tình tiết rất hấp dẫn, nhưng càng về sau càng nhạt dần, như không đủ hơi đủ sức vậy.
Tiểu thuyết của Kim Dung thì ngược lại, bao giờ cũng vậy, tiểu thuyết mở đầu bình bình, tình tiết ngày càng phát triển, nhân vật cũng theo đó xuất hiện, tình tiết đan xen phức tạp, cấu tứ chặt chẽ, bố cục ngụy dị, người đọc không thể biết trước việc gì sẽ xảy ra. Tình tiết trong tiểu thuyết của Kim Dung như một nồi nước trên lò lửa, lửa càng ngày càng mạnh, nước cũng càng lúc càng sôi cuồn cuộn.
Tiểu thuyết của Cổ Long như đàn được khảy ở âm vực cao vút từ đầu đến cuối, tình tiết kỳ biến trong cái kỳ biến, xảo diệu trong cái xảo diệu, trong cái tất nhiên bỗng đan xen một sự kiện ngẫu nhiên, trong kế còn có kế, thực giả đan xen, biến ảo khôn cùng.
Chiều hướng phát triển của cốt truyện hầu như không thể đoán biết trước được, kinh hiểm liên miên, khiến người đọc hồi hộp đến nín thở, cả tác phẩm kết cấu chặt chẽ không có một tình tiết bất hợp lý nào đó là điểm khiến cho người ta phải khâm phục Cổ Long. Luận về tình tiết, tiểu thuyết vũ hiệp của Cổ Long có thể xưng là nhất tuyệt.
Về việc miêu tả vũ công, cả ba đại gia đều có phong cách riêng.
Lương Vũ Sinh miêu tả vũ công hư ảo nhưng lại rất thực, mỗi chiêu mỗi thức đều rất rõ ràng, rất thực. Vũ công trong tiểu thuyết của Lương Vũ Sinh có khuynh hướng đạo đức, vũ công có chính có tà; vũ công chính phái nhu hòa tượng trưng cho cái thiện cái nhân, chỉ công địch phòng vệ, lại có ích cho việc tu tâm dưỡng tánh; vũ công tà phái thì tàn độc bá đạo, tượng trưng cho cái tà cái ác, ví như “Tu La Âm sát công”, “Lôi Thần chưởng”, “Ðộc chưởng”… Vũ công chính phái luyện tập khó khăn, rất chậm tiến nhưng lại có căn cơ vững chắc; vũ công tà phái luyện mau thành tựu nhưng cũng dễ tẩu hỏa nhập ma, tàn hại cả đời. Tất cả những cái đó tạo nên một phong cách vũ công riêng của Lương Vũ Sinh.
Vũ công trong tác phẩm của Kim Dung càng khiến cha người ta thán phục. Vũ công của Kim Dung và văn học nghệ thuật cũng như truyền thống văn hóa tinh thần của các dân tộc ở Trung Hoa hòa làm một. Cầm kỳ thi họa, cửu cung bát quái, y đạo, dụng độc… Đều có thể hóa thành tuyệt thế thần công, đồng thời đem tinh thần Nho, Thích, Ðạo truyền thống của dân tộc Hoa hạ hóa thành các cảnh giới cao nhất của vũ học. Kim Dung còn bỏ công miêu tả việc luyện công khó nhọc và kiên trì như thế nào, các nhân vật chính bao giờ cũng trước tiên là gặp họa sau đó mới được phúc, nhờ vào sự kiện ngẫu nhiên nào đó, hay ở chỗ là các miêu tả này đều rất sống động, tự nhiên và có mức độ. Ngoài ra vũ công của Kim Dung còn có một đặc điểm là rất hoạt kê, khiến cho trận đấu căng thẳng kịch liệt cũng trở nên nhẹ nhàng nhờ những tiếng cười.
Phong cách vũ công của Cổ Long thì khác hẳn mọi người, vũ công của ông thắng người ta ở “quái chiêu”. Vũ công của Cổ Long trọng tinh thần, không trọng chiêu thức, như “Phi đao tuyệt kỹ” của Diệp Khai trong “Biên Thành Bộ”
“Xưa nay chưa từng có ai biết được phi đao của hắn giấu ở đâu, cũng không ai biết đao được phóng ra như thế nào. Trước khi phóng đao ra khỏi tay, không một ai tưởng tượng nổi tốc độ và oai lực của nó…Ðao nhất định phải nằm ở nơi mà nó phải được phóng tới!… Nếu không hiểu được tinh thần ấy, không thể nào phóng được ngọn đao kinh thiên động địa như vậy! Phi đao! Phi đao chưa nằm trong tay nhưng tinh thần đã tồn tại! Ðó không phải là sát khí, nhưng nó còn khiến cho người sợ hơn cả sát khí !”
Trích đoạn miêu tả phi đao ở trên đã không còn là thứ vũ công thuần túy nữa, nó đã trở thành nhân cách, tinh thần, là lòng nhân từ và bác ái của Lý Tầm Hoan.
Vũ công của Cổ Long chú trọng ở chỗ “công tâm” (đánh vào tâm lý đối phương), mọi thứ thuộc về con người, từ tính tình, tình cảm cho tới y phục và cả nét mặt đều có thể có ảnh hưởng tới việc phát huy vũ công, cao thủ quyết đấu, không được có bất kỳ sơ suất nào từ thế đứng cho tới thần thái đều phải hoàn mỹ.
Trong tình huống như vậy thì vũ công chẳng cần đến lộ số, chỉ một chiêu là có thể phân thắng bại. Vũ công của Cổ Long còn được thể hiện dưới góc độ thiền.
Lấy kiến tính làm tông chỉ, trong khi đối địch, cao thủ phải đạt đến cảnh giới vong ngã, bởi chỉ có vong ngã mới vượt qua được giới hạn của nhận thức, mới có thể nhận ra nhược điểm của đối phương một cách nhanh chóng và chính xác.
Cảnh giới vong ngã đạt được là do sự huấn luyện qua thời gian, mới có thể thu phát tùy ý. Trong trạng thái vong ngã ấy, vũ sĩ trở thành một người không có ý thức, trong lòng không còn tồn tại cái ta nữa mà chỉ còn tồn tại binh khí trong tay và địch nhân.
Trong trạng thái ấy, thân kiếm hợp nhất, vũ công mới có thể phát huy hoàn toàn oai lực vũ công, chỉ bằng một chiêu là đã đủ hủy diệt đối phương.
Cũng chính vì vũ công của Cổ Long có những quái chiêu như vậy mà phong cách vũ công của ông có một điểm rất riêng: không chiêu không thức, ngắn gọn mạnh mẽ, trọng ở tinh thần, một chiêu kiến hiệu.
Nhà văn Cổ Long
Nói về văn phong
Văn phong kỹ xảo của Cổ Long cũng có phong cách độc đáo của riêng mình. Lương Vũ Sinh văn phong bay bướm, trong truyện thường dùng đến thi từ ca phú, dân ca tục ngữ làm cho tác phẩm tăng thêm mỹ ý. Kim Dung tài trí như biển trời, văn phong hào sảng thoát tục, hoạt kê nhẹ nhàng, tác phẩm tuy là tiểu thuyết nhưng lại có thi tình họa ý, đồng thời cũng có vận dụng kỹ xảo tiểu thuyết phương Tây đi sâu vào chân lý của cuộc sống và vận mệnh con người.
Ngôn ngữ trong tiểu thuyết của Cổ Long ngắn gọn, cú pháp đa dạng, đơn giản, gọn gàng mà thoát tục. Cổ Long thuật chuyện thường tránh cách thuật chuyện theo một mạch suốt từ đầu đến cuối, hành văn liên tục gián đoạn nhưng không vì thế mà rời rạc. Nếu nói Lương Vũ Sinh giữ chặt điển cố, không làm mất phong độ của một vũ lâm đại gia thì Kim Dung thâu trùm bách gia, dung hòa kỹ xảo tiểu thuyết Ðông Tây, có điển nhã cũng có mộc mạc, đa dạng trong cái thống nhất, đã khai sáng nên một phong cách tiểu thuyết vũ hiệp độc nhất vô nhị, là một tuyệt đỉnh cao thủ trong vũ lâm !
Còn Cổ Long bạo gan phóng túng, không giữ bất kỳ khuôn thước nào, vai mang kiếm lưng giắt bầu rượu tiếu ngạo giang hồ, đúng là một vũ lâm quái kiệt.
———————–
Tác giả: La Lập Quần
- Làm lồng đèn ống lon của ngày xưa thập niên 90s - September 24, 2023
- Sống lạc quan theo triết lý khắc lỷ và chủ nghĩa hiện sinh - September 24, 2023
- 19 quy luật để có một cuộc sống tốt đẹp từ Marcus Aurelius - September 23, 2023