baner nner

Nhạc đời may rủi : Khúc nhạc buồn tiễn đưa một kiếp người

nhạc đời may rủi - paul auster
Paul Auster
Nhà Văn Paul Auster

Tôi biết đến Paul Auster khi đọc cuốn “Khởi sinh của cô độc” trong bộ Cánh Cửa Mở Rộng của NXB Trẻ. Tôi bị choáng ngợp trước văn chương mang đậm dấu ấn của tinh thần hậu hiện đại, nơi cái ngẫu nhiên, cái bất khả tri hiện hữu trong tâm thức con người và cả cái “cốt truyện Phi Lý ” theo lối viết văn trường phái triết học hiện sinh như Frank Kafka, Albert Camus …. của Paul Auster. Hầu hết các tác phẩm của Paul Auster đều đề cập đến những vấn đề mang tính triết học và chứa đựng tư tưởng nhân văn sâu sắc của đời sống con người : số phận, lòng trung thành, ý thức trách nhiệm, bản chất của cái ác và ý nghĩa thực sự của tự do. Nhạc đời May Rủi qua bản dịch của Trịnh Lữ không nằm ngoài những điều trên.

Nhạc Đời May Rủi vốn không có cốt truyện cụ thể vì tác phẩm dẫn dắt người đọc theo “qui luật ngẫu nhiên” của nhân vật chính có tên là Jim Nashe cùng cuộc phiêu lưu “may rủi” của anh đi cùng những giai điệu âm nhạc của Mozart, Hayden, Beethoven.

CUỘC ĐỜI JIM NASHE VÀ TRỞ THÀNH LÍNH CỨU HOẢ MỘT CÁCH NGẪU NHIÊN

Jim Nashe, sống với mẹ và chị gái – Donna khi cha anh bỏ nhà ra đi lúc anh mới 2 tuổi. Khi trưởng thành Jim Nashe học đại học và quyết định bỏ đại học và làm đủ các ngành nghề từ bán hàng ở hiệu sách, chuyên chở đồ đạc, pha rượu ở quán bar rồi lái taxi. Một hôm nọ, anh đang chở khách trên taxi, vị khách nói sẽ thi sát hạch vào sở cứu hoả Boston. Vị khách nói Jim Nashe nên thi thử. Thế là anh cũng thi thử và vô tình thi đậu với số điểm cao nhất năm của sở cứu hoả Boston, còn vị khách thì trượt. Lần gần nhất khi anh nghĩ mình sẽ trở thành lính cứu hoả khi còn là một đứa trẻ 4 tuổi, giờ đây anh đã thành lính cứu hoả một cách ngẫu nhiên như thế. Anh đã làm ở đây 7 năm trước khi quyết định rời bỏ để sống cuộc đời “tự do” của mình sau đó.

Jim Nashe lấy vợ tên là Thérèse và có một cô con gái tên là Juliette. Nhưng cuộc đời vốn dĩ không hoàn hảo, khi mẹ anh bị bệnh ung thư và mất ở viện dưỡng lão. Anh trở nên khánh kiệt, nghèo túng trong quá trình chữa bệnh cho mẹ, đúng lúc đó vợ anh – Thérèse bỏ đi. Anh không thể nào trông nom một đứa con gái 2 tuổi với cái nghề lính cứu hoả đi làm không giờ giấc cụ thể : có thể sáng sớm, đêm khuya, giữa trưa mỗi khi ở đâu xảy ra hoả hoạn. Thế là Jim Nashe quyết định gửi đứa con gái 2 tuổi cho bà chị gái – Donna ở Minnesota.

NGẪU NHIÊN ĐƯỢC THỪA KẾ “100.000 USD” TỪ NGƯỜI CHA.

Một ngày nọ, anh nhận được cuộc điện thoại từ một người đàn ông ở văn phòng luật sư nói rằng anh được thừa kế “100.000 USD” từ người cha mà hơn 30 năm anh chưa gặp mặt. Jim Nashe đã không nhận được bất cứ cuộc điện thoại hay thư từ liên lạc nào từ cha anh lúc ông bỏ đi. Một con người đang “cô đơn, khánh kiệt, gia đình ly tán” thì một món tiền từ trên trời rơi xuống tưởng là Phúc nhưng đó chính là Tai Hoạ đối với Jim Nashe.

Khi nhận được món tiền trong lòng anh ngổn ngang tâm sự, giá mà số tiền này đến sớm hơn một tý thì vợ anh đã không bỏ đi, anh sẽ không nghèo túng trong những năm tháng chữa bệnh cho mẹ, hay chí ít cũng thuê ai chăm sóc Juliette mỗi khi anh vắng nhà….nhưng dường như đã quá muộn, mọi chuyện đã “manh nha” bắt đầu từ trước khi anh nhận thức được mình cần làm gì.

Với 100.000 USD thừa kế, anh trả món nợ 32.000 USD cho nhà an dưỡng Pleasant Acres – nơi mẹ anh trút hơi thở cuối cùng. Anh mua chiếc xe Saab 900 có 2 cửa màu đỏ, lấy hết số ngày phép 2 tuần cùng chiếc xe ngang dọc hành trình nước Mỹ, chỉ muốn đi để khoả lấp cái khoảng trống trong tâm hồn mình nhưng chính những lúc đó “cơn nghiện lái xe” đã làm anh mất tất cả sau này.

Jim Nashe đến Minnesota thăm con gái đang được chăm sóc bởi chị gái anh là Donna, nhưng con bé vẫn cứ sợ anh. Cuộc đời Jim Nashe chính thức “đổ bể” khi anh cố gắng tiếp xúc con gái nhưng nó cứ tránh mặt anh. Juliette chỉ mới 2 tuổi, mỗi tuần 2 lần anh đều gọi điện thoại cho chị gái để gặp con bé nhưng nó còn quá nhỏ chưa hiểu gì về cuộc nói chuyện nó nên khi gặp Jim Nashe thì con bé sợ sệt, co rúm người lại không cảm xúc. Anh cảm thấy mình bị tổn thương sâu sắc. Anh bàn với chị mình sẽ đón con bé về Boston nhưng chị gái anh – Donna không đồng ý. Vì Donna sợ ảnh hưởng đến tâm lý của con bé khi rời khỏi nhà Donna. Jim Nashe nhận thấy Juliette ở với chị gái anh thì con bé có một gia đình thật sự khi chị gái anh thay Thérèse – vợ anh chăm sóc con bé, ngoài ra còn có chồng Donna không bao giờ vắng nhà vào những buổi tối hay những ngày cuối tuần, anh ấy như một người cha thay Jim Nashe, bên cạnh còn còn anh chị em họ là con của Donna. Sau một hồi nói chuyện, anh quyết định không đón con bé về theo ý Donna. Donna khuyên anh lập quỹ bảo hộ cho Juliette khi trưởng thành và Jim Nashe đồng ý, anh trích khoản hơn 10.000 USD trong khoảng tiền thừa kế cho vào cuốn sổ tiết kiệm đứng tên con bé ở ngân hàng. Sau đó, Jim Nashe từ biệt Donna và rời đi ,phiêu lưu trên chiếc Saab của mình với những ngày tháng ngao du suốt chiều dài địa lý nước Mỹ.

HÀNH TRÌNH TỰ DO LANG THANG VÔ ĐỊNH

Jim Nashe cảm thấy cuộc đời mình “trống rỗng” không gì bấu víu trong những lúc dừng xe đổ xăng, hay ghé vào một quán ăn. Nên Jim Nahshe quyết định về khu nhà trọ thông báo trả nhà, cắt hợp đồng khí đốt, bán hết tất cả mọi thứ trong căn nhà, vài thứ anh cho tổ chức từ thiện. Kể cả chiếc đàn Baldwin mà mẹ anh đã tặng anh lúc sinh nhật 13 tuổi, anh cũng quyết định bán. Trước khi bán nó cho Antonelli – người thỉnh thoảng giúp anh chỉnh dây dàn gần nhà, với giá 450 USD. Anh đã ngồi chơi lại tất cả các bài mình đã từng chơi trước đây…anh nhớ về mẹ, về mọi thứ như một cách chia tay mọi thứ để rời khỏi nơi đây. Anh đến sở cứu hoả Boston xin nghỉ việc, và bắt đầu cuộc sống lang bạt sau tay lái.

FIONA – GÁO NƯỚC LẠNH XUA TAN SỰ “ỔN ĐỊNH”

Một lần vào nhà sách, tìm cuốn sách để đọc trên cuộc hành trình lang thang, anh đã gặp Fiona. Fiona là nhà báo đang làm việc cho một tờ báo nổi tiếng. Fiona tình cờ quen biết anh khi chị ấy phỏng vấn anh để viết một bài báo đăng trên tờ Globe với tựa đề : “Một tuần trong đời một lính cứu hoả ở Boston” và từ đó họ không gặp lại nhau. Đây là sự gặp gỡ ngẫu nhiên và tình cờ, sau vài tiếng chào hỏi, nói chuyện và dường như Fiona đã thích anh. Fiona rủ Jim Nashe về nhà ở gần đó ân ái. Anh ở với Fiona một tuần rồi về thăm con gái ở Minesota. Nashe quay lại sống với Fiona vài ngày rồi lại lên xe đi lang thang. Trong những giây phút gần gủi với Fiona, Jim Nashe cảm thấy hạnh phúc, ở bên cạnh Fiona khác xa với cảm giác bên cạnh vợ anh Thérèse và anh cũng muốn sống chung với Fiona trong những ngày tháng sắp tới. Nhưng đó chỉ là ý nghĩa thoáng qua, anh lên chiếc xe Saab của mình lang thang, với cuộc hành trình vô định. Trong những giây phút sau tay lái anh nghĩ mình sẽ mua chiếc nhẫn cưới để cầu hôn Fiona. Nhưng khi trở về nhà Fiona thì bạn trai cũ của Fiona đã quay lại và muốn cưới Fiona. Cô ấy đồng ý, đồng thời từ chối Jim Nashe. Fiona liên tục xin lỗi Jim Nashe vì không thể tiếp tục sống với anh. Một lần nữa Jim Nashe lại thất bại trước định mệnh. Anh từ biệt Fiona lên xe tiếp tục hành trình. Anh lái xe hơn mười tiếng đồng hồ, có khi suốt đêm trên khắp chiều dài nước Mỹ. Jim ghé thăm mộ cha ở California, đến Texas, qua Arizona, Utad, New Mexico….trong một lần ghé Saratoga đang mùa đua ngựa, trong lòng trống rỗng anh lao vào cuộc đua cá ngựa với hy vọng là sẽ thắng được ít tiền bù đắp lại khoảng tiền tiêu hao trong mấy tháng qua nhưng sau vài trận thắng thì anh lại thua liên tục khi nhìn vào số tiền thì chỉ còn 14.000 USD. Anh rời trường đua ngựa quyết định đến New York.
nhạc đời may rủi

TÌNH CỜ GẶP JACK POZZI – CUỘC CHƠI MAY RỦI ĐỊNH MỆNH CỦA JIM NASHE BẮT ĐẦU.

Đang lái xe nhẩn nha trên đường, anh bắt gặp một cậu thanh niên nhỏ thó, mình bê bết máu, lang thang bước đi thất thểu. Jim Nashe lái xe ngang qua nhưng trong một thoáng suy nghĩ anh quay lại gặp Jack Pozzi và cho cậu ấy quá giang đi nhờ xe. Suốt mấy tiếng đồng hồ Jack Pozzi chẳng nói gì nhưng cuối cùng Jack đã mở miệng và nói mình vừa bị “úp sọt” cướp có vũ trang bằng súng số tiền thắng trong một sòng bài. Anh may mắn thoát ra được nhưng lại bi đánh tơi bời bởi những người cùng chơi vì nghĩ Jack là niềm xui xẻo. Jack Pozzi kể rằng mình đánh bài xì rất giỏi, khi đang thắng mấy chục nghìn đô la thì bọn cướp đến và lấy hết tiền. Trong một phút giây thoáng qua, Jim Nashe đã nghĩ Jack Pozzi sẽ kiếm tiền cho mình nhất là khi Jack đã kể chiến tích trận thắng bài xì trước 2 đại gia Willie và Flower ở Atlantic City (thiên đường cờ bạc ở Đông Bắc nước Mỹ như Las Vegas.)

Sau trận thua ấy Willie và Flower đã hẹn Jack Pozzi tái đấu ở dinh thự của họ. Jack Pozzi nhận lời và đã nói cho Jim Nashe nghe về kế hoạch của mình sẽ gặp 2 người kia tái đấu để kiếm tiền. Jim Nashe trong những lúc ở cùng Jack Pozzi cũng đã đánh bài xì cùng Jack để kiểm tra năng lực Pozzi và lần nào anh cũng thua. Anh tin tưởng Jack Pozzi sẽ là thần hộ mệnh của mình, sẽ kiếm lại tiền cho mình nên đã thống nhất cho Jack mượn 10.000 USD để làm vốn thi đấu với Willie và Flower với yêu cầu lợi nhuận chia đôi. Cuộc đời may rủi với những lá bài của Jim Nashe bắt đầu từ đây.

TIẾNG NHẠC MAY RỦI Ở CỬA NHÀ WILLIE VÀ FLOWER

Khi Jim Nashe và Jack Pozzi đến cửa nhà của Willie và Flower rồi nhấn chuông cửa thì mấy nốt nhạc mở đầu của bản nhạc giao hưởng số 5 của Beethoven vang lên. Mấy nốt nhạc dạo đầu này đã gây nhiều tranh cãi trong lịch sử âm nhạc và người ta nghĩ rằng là tiếng gõ của số phận. Nó là tiếng nhạc mở đầu cho chuỗi bi kịch cuộc đời Jim Nashe sau này.

Willie và Flower trở thành triệu phú trong một lần trúng số độc đắc và nhờ vào tài năng kinh doanh và có đầu óc đầu tư nên đã có cơ ngơi kếch sù với hàng triệu USD. Khi tới đây, Jim và Jack đã được nghe cuộc đời may rủi của họ như thế nào, cách họ đã trúng số độc đắc ra sao. Khi đã có tiền, họ đã xin nghỉ việc đang làm và bắt đầu học đầu tư, kinh doanh để kiếm tiền nhiều hơn như thế nào. Rồi cả cách họ bê nguyên một toà lâu đài của huân tước Muldoon ở Ai Len về Mỹ như thế nào. Tất nhiên toà lâu đài đã không còn nguyên vẹn và chỉ là vài trăm ngàn met khối đá vô tri được chuyển về dinh thự của họ. Họ đã lên kế hoạch dùng những khối đá này xây thành một bức tường án ngữ ở bìa rừng gần dinh thự của họ. Nhưng định mệnh lại bắt Jack Pozzi và Jim Nashe làm công việc này, xếp từng khối đá để xây thành bước tường ở đây.

CHƠI ĐÁNH BÀI DÙ GIỎI CŨNG PHẢI TÌM THẦY ĐỂ HỌC

Willie và Flower từ khi thua Jack Pozzi ở Atlantic Ciy đã tìm đến Sid Zeno – một tay chơi bài có tiếng để học hỏi. Họ đã mời Sid Zeno đến nhà một tuần với số tiền không nhỏ để dạy họ cách chơi bài. Cuộc chiến với Jack Pozzi là cách họ vận dụng những gì đã học từ ông thầy kia. Jack Pozzi vẫn tỏ ngạo mạn khi họ nhắc đến Sid Zeno. Jack nói Sid Zeno đã già và hết thời. Chính thói ngạo mạn này đã khiến Jack Pozzi trả giá và thua cuộc cùng toàn bộ số tiền của Jim Nashe. Trong một lúc muốn gỡ lại toàn bộ số tiền này, Jack đã thế luôn chiếc xe SAAB màu đỏ của mình cho Willie và Flower để lấy tiền đưa cho Jack Pozzi có vốn để tiếp tục đánh bài xì cùng Willie và Flower nhưng cuối cùng họ vẫn thua hết tiền.

LÁ BÀI MAY RỦI VÀ CÔNG CUỘC KHUÂN ĐÁ XÂY TƯỜNG TRẢ NỢ

Sau khi thế chấp chiếc xe để tiếp tục cuộc chơi nhưng cũng thua sạch. Jim Nashe vẫn còn muốn chơi một ván bài may rủi với Willie và Flower bằng cách rút 1 lá bài trong cỗ bài 52 lá. Ai có lá bài cao hơn sẽ thắng. Jim Nashe đề xuất là sẽ ghi nợ 10.000 USD nếu Jim Nashe thua, còn nếu Jim thắng họ sẽ lấy lại chiếc xe SAAB màu đỏ và quay về New York nhưng cuối cùng Jim vẫn thua và nợ Willie và Flower 10.000 USD. Trong một lúc bối rối, Jim Nashe đã đề xuất mình và Jack Pozzi sẽ ở lại đây và chấp nhận làm công xây tường đá cho họ với mức lương 10 USD/ một giờ .Willie và Flower đồng ý và họ đã cho Jack và Jim cơ hội có tiền trả nợ bằng cách giúp họ xây bức tường bằng những tảng đá từ Ai Len kia với cam kết trong 50 ngày sẽ để họ ra đi khi trả hết nợ. Willie và Flower sẽ cung cấp chỗ ở miễn phí nhưng không chi trả tiền thực phẩm cho Jim và Jack Nashe cùng những chi phí khác. Nên trong quá trình sinh sống Jack và Jim đã cật lực làm việc khuân đá dưới sự giám sát của Murks – người làm của Willie và Flower. Đến ngày 50 như thoả thuận, họ cứ tưởng đã trả hết nợ và rời khỏi đây nhưng khi Murks thông báo kèm với những hoá đơn mua thực phẩm (bia rượu, thức ăn và gái điếm theo yêu cầu của Jack Pozzi) thì họ vẫn còn thiếu nợ 3000 USD vì những khoản phát sinh này.

Không còn cách nào khác họ phải ở lại tiếp tục làm việc với Murks để trả nốt số nợ 3000 USD kia và với hy vọng kiếm chút lộ phí về nhà. Jack Pozzi đã không kiềm chế được và có ý định trốn khỏi đây. Sau đó Jack và Jim đã cùng nhau đào một cái hố thông ra đường cái để trốn thoát. Nhưng chỉ có Jack Pozzi ra đi và Jim ở lại nhưng đó lần gặp nhau cuối cùng của họ. Trong buổi sáng sau cái đêm từ biệt Jack Pozzi, Jim đã phát hiện Jack Pozzi bị đánh cho tới chết và khiêng xác đặt tại rơ móc nơi ở của Jim Nashe. Anh đau đớn nhìn Jack đang lụi tàn, anh căm thù Willie và Flower cả Murks vì đã sát hại Jack nhưng không có bất cứ bằng chứng nào.

Nhưng vì còn nợ tiền Willie và Flower, anh lại phải ở lại tiếp tục khuân đá xây tường. Jim dường như càng làm anh càng thấy hăng say, mê mệt với việc kéo xe khuân đá xây tường thế này, anh tin rằng khi đủ tiền rời khỏi đây thì anh sẽ báo cảnh sát tới bắt Murks, anh sẽ đến bênh viện dò la Jack Pozzi có nằm ở đó không. Anh làm mà không nghỉ một ngày nào, vượt cả sức tưởng tượng của Murks. Nhưng một ngày anh đổ bệnh, năm nghỉ nhưng hôm sau lại tiếp tục. Vào một ngày đẹp trời gần đến giáng sinh, đúng sinh nhật Jim Nashe, Murks thông báo sau ngày hôm nay anh đã trả hoàn toàn xong số nợ của anh ấy và Jack Pozzi . Jim Nashe đã trở thành người tự do.

MUSK – FLOYD – JIM NASHE CÙNG CHIẾC XE SAAB VỀ CÕI VĨNH HẰNG

Tối hôm đó Murks đề nghị Jim Nashe cùng con rể mình là Floyd đi uống chút rượu, chúc mừng Jim Nashe thành người tự do. Dù lúc đầu anh không muốn nhưng cuối cùng thì Jim cũng nhận lời đi cùng cha con họ. Murks lấy chiếc Saab màu đỏ 2 cánh của Jim Nashe mà ông được Willie và Flower tặng lại sau khi Jim Nashe thế chấp để tiếp tục cuộc chơi bài.

Một cảm giác choáng ngợp hết tâm trí của Jim Nashe, gần 6 tháng nay anh không ra ngoài, tiếp xúc với ai. Trong quán Bar nhỏ mù sương, 3 người đàn ông cùng nhau uống. Trong một lúc cao hứng Floyd đề nghị Jim Nashe chơi bi – da với tiền cược 10 USD một ván, kết quả Floyd thua 5 ván liên tiếp với số tiền 50 USD. Jim Nashe không lấy tiền của Floyd mà thay vào đó anh đề nghị được lái lại chiếc xe Saab màu đỏ của mình lúc trước để chở cả 3 về nhà. Floyd nói điều này với Murks, sau một lúc ngập ngừng thì Murks cũng chấp nhận nhưng trong lúc di chuyển trên đường, Jim mở radio nghe một bài nhạc cổ điển quen thuộc nhưng anh không nhớ đó là bài gì. Anh chỉ nhớ mang mang là của Mozart hay Hayden gì đó. Murks phàn nàn vì sao chạy nhanh, thay vì giảm tốc độ, Jim Nashe tăng vận tốc lên 150 Km/h, rồi Murks với tay tắt cái radio làm Nashe giật bắn mình, thay vì giảm tốc độ anh lại nhấn gas mạnh hơn nhưng phía trước anh có một ánh đèn xe tải loá sáng. Mọi thứ đều không kịp, câu chuyện kết thúc, dù Paul Auster không tiết lộ là Jim Nashe có tông vào xe tải đi ngược chiều hay không nhưng người đọc và dịch giả Trịnh Lữ tin rằng Jim Nashe đã tông vào xe tải chạy ngược chiều và xảy ra tai nạn. Jim Nashe – Murks – Floyd đã chết , trong khi chiếc xe SAAB đỏ chói 2 cánh bẹp dí, lúc xảy ra chuyện thì Jim Nashe tròn 34 tuổi.

Hành trình là một người tự do với nhiều tiền trong tay cũng chưa lúc nào làm cho Jim Nashe thoải mái. Nỗi cô độc bủa vây lấy anh khi anh dừng xe đổ xăng hay bảo dưỡng xe, hay vào nhà nghỉ hay vào một quán ăn ven đường. Cảm giác cô độc chỉ xua tan khi anh lái xe, ngay cả Fiona tưởng chừng đem lại hạnh phúc cho anh nhưng cũng không có cái kết đẹp.

Jim Nashe thật sự sống khi anh được ngồi sau vô lăng mặc cho dòng suy tưởng trôi bất định. Đôi lần anh nghỉ về con gái anh Juliette, sau mỗi lần ghé về thăm cùng nhiều quà nhưng sự xa cách của con gái làm anh thêm “uể oải”, đâu đó đôi lần trong cái rờ móc trú tạm để làm công việc khuân đá, anh cũng nhớ đến sinh nhật con gái nhưng rồi anh cũng quên đi. Anh thấy mình là người cha không xứng đáng và anh chẳng biết mình nên làm gì. Một sự cô đơn bất lực dồn nén lên anh nhất là khi Jack Possi bị đánh đập đến chết. Một mình anh ở lại chốn rừng sâu thì cảm giác cô độc xâm chiếm nó biến anh thành một con người khác. Một ngày nọ, Murks dẫn cháu ngoại mình là một đứa bé 4 tuổi đến chỗ anh ở thì anh cũng manh nha muốn giết thằng bé để báo thù cho Jack Pozzi. Những ý nghĩ tệ hại liên tiếp đến bên anh, nhưng cuối cùng anh đã không ra tay giết hại thằng bé.

Paul Auster đã để cho độc giả tự đánh giá mỗi nhân vật xuất hiện trong tác phẩm dù là chính hay phụ. Cuộc đời Willie và Flower sau khi trúng số và làm ăn phát đạt để tương phản với chính Jim Nashe khi có số tiền lớn như thế nào. Cuộc đời của Murks trung thành, nguyên tắc như thế nào trong việc xây dựng bức tường đá. Cuộc đời của Murks khi có con rể không bình thường ( về tâm lý) cùng sự xuất hiện của đứa cháu ngoại của ông trong lúc ông giám sát Jim Nashe làm việc hàng ngày.

Thằng bé quấn chặt lấy Jim Nashe, lúc nào cũng gọi Jim…Jim, nó còn gói cả kẹo đem cho Jim. Hay đến cả cô gái điếm tên Tiffany mà Murks gọi đến trong lần đầu gặp Jack Pozzi và lần 2 gặp Jim Nashe. Cô nói về ước mơ diễn xuất của mình, cảm giác đứng trên sân khấu và đang để dành tiền để thực hiện ước mơ. Cô đã khóc nức nở như thế nào khi Jim kể câu chuyện của Jack và đã hứa sẽ đến bệnh viện tìm hiểu về Jack Pozzi.

—————–
Chim Én

Chim Én

Leave a Reply

Your email address will not be published. Required fields are marked *