baner nner

[Review]Một gánh xiếc qua – Patrick Modiano

Mỗi lần đọc những tác phẩm của Patrick Modiano, mỗi lần tôi thấy phản phất cái nỗi buồn man mác, sự tiếc nuối về những điều đã là quá khứ : tuổi trẻ, hoài bão, sự bất hạnh….Cuốn “Một gánh xiếc qua” cũng như vậy.

Trong “Một gánh xiếc qua” thì chẳng có gánh xiếc quái dị nào mà nó chỉ xuất hiện qua lời kể Gisèle cho Obligado nghe. Nó có tên là “Gánh Xiếc Mùa Đông” và chồng cũ của cô quản lý rạp xiếc này. Nhưng rạp xiếc Mùa Đông không phải chủ đề chính của tác phẩm mà chủ đề chính nói về 2 nhân vật Gisèle và Obligado cùng sự phát triển tình cảm của họ, xảy ra trong 5 ngày liên tục từ một ngày thứ 5 của tháng 11 năm 1963 ở thành phố Paris. Cực kỳ đơn giản, nhưng cũng cực kỳ khó hiểu.

Obligado thì không phải tên thật của nhân vật nam chính mà đó là tên của một bến tàu điện ngầm. Grabley – người sống chung nhà với cậu ấy, dùng để gọi thân mật nhân vật nam chính này.

Obligado 18 tuổi sống cùng Grabley – một người trợ lý của cha cậu tại Paris trong khi cha cậu thì đang ở Thuỵ Sĩ, mẹ thì đang lưu diễn ở Tây Ban Nha. Cậu kiếm tiền bằng cách bán những đồ đạc, vật dụng trong nhà cho một tay buôn người Ý tên là Dell’Aversano. Dell’Aversano biết được tình cảnh của Obligado và đã đề nghị sẽ kiếm cho một cậu một việc làm ở Rome – Ý tại hiệu sách. Từ đó ý tưởng rời khỏi Paris đến Rome xuất hiện trong suốt cuộc hành trình của cậu về sau.

một gánh xiếc qua - patrick modiano

Một gánh xiếc qua – Patrick Modiano

Trong một lần tình cờ mà cũng không có bất cứ lời giải thích nào khi tên cậu xuất hiện trong cuốn sổ Agenda. Cuốn sổ này dính dáng đến một chuyện mờ ám gì đó. Nên cậu đã bị triệu tập lên đồn cảnh sát để thẩm vấn. Cậu đã gặp Gisèle cũng bị triệu tập thẩm vấn vì tên cô ấy xuất hiện trong một cuốn sổ lưu trú của một khách sạn, đó cũng manh mối trong vụ án gì mà cảnh sát đang điều tra.

Sau khi rời đồn cảnh sát, thay vì ra về thì Obligado đã chủ động chờ Gisèle ra khỏi đồn cảnh sát để gặp mặt và hỏi lý do vì sao cố ấy cũng có mặt ở đây, biết đâu điều này cũng liên quan đến sự có mặt của Obligado ở đồn cảnh sát này.

Đây là giây phút bắt đầu cho chuỗi ngày lang thang cùng Gisèle của Obligado. Gisèle chỉ ngã đầu lên vai Obligado và nói “sẽ chẳng ai có thể tìm ra chúng ta giữa đám đông này” và rồi cuộc đời chàng trai Obligado thay đổi mãi mãi và cậu vẫn không biết rằng mọi hành động của cậu ấy và Gisèle luôn bị cảnh sát theo dõi.

Lần gặp mặt đầu tiên, Gisèle về nhà Obligado và trao cho cậu 1 cái Vali nặng trịch và nói cậu giữ giúp. Gisèle rời đi, khi gặp lại cậu, thì cô mang cái áo lông thú. Một lần nữa thì là một con chó tên là Raymond, một lần nữa thì đưa cho cậu 1 cái vali thứ 2. Obligado chưa hiểu chuyện gì xảy ra nhưng trong thâm tâm cậu tự nói rằng : “Giờ đây tôi đã hiểu rõ hơn những chuyến đi tới lui của Gisèle để tìm cách thu nhặt những mảnh rải rác của một cuộc đời”.

Cuộc đời Gisèle luôn bí ấn từ lúc xuất hiện cho đến cuối truyện, với những lần biến mất rồi xuất hiện. Obligado chẳng có bất cứ thông tin gì về Gisèle và cậu cũng không hiểu vì sao lại làm theo những lời chỉ dẫn Gisèle.

Mọi chuyện bắt đầu rắc rối khi Gisèle cùng Obligado nhận đề nghị của Pierre Ansart với nhiệm là chuyển lời nói của Pierre Ansart đến một người đàn ông ở một quán cà phê ở quán Neuilly. Đổi lại điều này Gisèle và Obligado sẽ sử dụng chiếc xe của ông và có thể đi đâu tuỳ ý. Lúc đầu Obligado do dự nhưng Gisèle thuyết phục và thách thức nên cậu đồng ý nhận lời Pierre Ansart. Hai người gặp người đàn ông kia ở quán cà phê và chuyển lời của Pierre Ansart .Người đàn ông đó nhận lời ra gặp Pierre Ansart trên chiếc xe ở góc đường và họ cũng biến mất khó hiểu mà sau đó Gisèle và Obligado tìm đến nhà, đến quán ăn Pierre Ansart với ý định trả chiếc xe đã mượn cho Pierre Ansart nhưng họ chẳng tìm thấy bất cứ điều gì. Tất cả bọn họ Pierre Ansart, Jacques, Martin đều biến mất mà không có một dấu vết nào.

Trong suy nghĩ của Obligado lúc nào cũng muốn rời khỏi Paris để đến Rome, vì Paris chẳng có gì lưu luyến cậu ấy. Gisèle lúc nào cũng cảm thấy không an toàn ở Paris vì mối nguy từ chồng cũ. Obligado đã nói với Gisèle sẽ rời Paris và Gisèle đồng ý cùng cậu đến Rome. Nhưng trong một lần cậu nhận được số điện thoại của viên cảnh sát mật vụ nói là cần gặp cậu để nói chuyện. Lúc gặp người đàn ông này, ông ta kể nhiều thông tin về Gisèle với tên thật, với nghề nghiệp và quá khứ của Gisèle đã từng đi tù, từng làm điếm nhưng đối với Obligado cũng chẳng quan trọng vì Obligado và Gisèle chuẩn bị rời khỏi Paris đến Rome. Cả hai đi gặp Dell’Aversano để bàn về chuyến đi Rome. Dell’Aversano đồng ý và cung cấp địa chỉ cụ thể cho họ ở Rome. Rồi cả 2 thuê một khách sạn cũ ở bến tàu để đón tàu đến Ý nhưng lần này Gisèle cũng lấy lý do cần đi một mình về nhà cũ của cô. Trước khi đi, cô còn lấy namecard của khách sạn này. Gisèle chở Obligado lên phố để cậu ấy mua tờ báo. Sau đo Obligado quay về khách sạn để chờ Gisèle thì nhân viên lễ tân khách sạn thông báo rằng Gisèle đã bị tai nạn nghiêm trọng, vì trên người Gisèle có namecard của khách sạn này nên họ gọi đến đây.

Obligado đang háo hức, vui vẻ vì sẽ cùng Gisèle rời khỏi Paris đế Rome nhưng mong muốn ấy đã không thành hiện thực khi Gisèle bị tai nạn giao thông. Trong những lần biến mất của Gisèle và kèm những lời viên cảnh sát mật kia tiết lộ thân phận của Gisèle khiến Obligado rối bời. “Gisèle có bị tai nạn hay không, hay là một cuộc dàn xếp để biến mất khỏi đây. Gisèle là ai, cuộc đời của cô vẫn là bí mật cho đến khi kết thúc tác phẩm.”

Patrick Modiano kết thúc tác phẩm với hình ảnh Obligado rời khách sạn và ông chỉ hé lộ một chút thông tin về quá khứ của Gisèle và người đọc cũng chẳng hiểu tác phẩm nói gì, ông để cho mỗi người tự tìm lấy cái kết của tác phẩm của mình. Patrick Modiano bày ra một mê cung với điểm đầu là văn phòng cảnh sát nơi Obligado và Gisèle lần đầu gặp nhau, đường đi là năm ngày diễn ra chuyện tình của họ cùng nhiều nhân vật khác tham gia và điểm cuối ở khách sạn như hình bìa mê cung của cuốn sách , vốn là một phần bản đồ của Paris.

Độc giả sẽ chọn cách hiểu của riêng mình về tác phẩm này và hiểu diễn biến của chuyện tình năm ngày của Obligado và Gisèle. Đó cũng là năm ngày thay đổi trong tâm hồn của hai nhân vật, hoặc năm ngày để Obligado tiếp tục sống ở thành phố mà anh từng có ý định rời đi để suy nghĩ kỹ một lần nữa là mình có muốn thực sự rời bỏ Paris hay không ? hoặc có thể hiểu năm ngày để một cô gái điếm – từng đi tù như Gisele thực sự được biết hai chữ hạnh phúc là gì. Một gánh xiếc qua hay ở chỗ đó.

Tiểu thuyết của Patrick Modiano không bao giờ đòi hỏi người đọc quá nhiều, ngược lại, chúng mang lại cả một thế giới huyền hoặc và tinh tế của tuổi trẻ, với nỗi hoang mang, kèm theo đó là lòng can đảm, những nỗi đau, và cả niềm hân hoan tràn ngập. Đến cả nỗi buồn, trong văn chương của Modiano, lúc nào cũng như thể sắp nhẹ nhõm bay đi.”

Mỗi khi tôi cần một khoảng lặng, đọc cái gì “thư giãn” thì tôi chỉ cầm một cuốn sách của Patrick Modiano. Vì văn chương Modiano phù hợp với tôi. Có người từng nói “đọc sách Modiano để trở thành chúa tể” vì sẽ có người sẽ chẳng hiểu gì nhưng với tôi thì Modiano mang lại cảm giác hoài niệm : “Ký ức là di chỉ, hiện tại là di sản”.


—————
Chim Én

Chim Én

Leave a Reply

Your email address will not be published. Required fields are marked *