baner nner

Xe chè cô Lộc và chú Vũ – ngã tư Đinh Tiên Hoàng và Nguyễn Đình Chiểu

chè định tiên hoàng

Từ lúc lên Sài Gòn đi qua rất nhiều nơi, thay đổi rất nhiều chỗ ở nhưng có một nơi mà mỗi lần khi đi qua đây thì tôi đều có ký ức vui vẻ. Đó là xe chè của một cặp vợ chồng già hơn 60 tuổi, họ đã bán chè ở đây hơn 40 năm. Hôm qua trong một lần vào trung tâm thành phố, đi qua con đường Đinh Tiên Hoàng, tôi đã dừng lại mua 2 bịch chè vào lúc 8h00 tối chỉ để ôn lại kỷ niệm, như một thói quen từ thưở đôi mươi.

Quán chè đơn sơ với một cái xe đẩy với mỗi bịch chè treo lủng lẳng phía trên cùng vài cái ghế nhựa bày ra đằng trước. Quán chè này của cô Lộc – Chú Vũ đã tồn tại góc ngã tư này mấy chục năm mặc cho Sài Gòn có thay đổi ra sao hay những quán xá xung quanh có đóng cửa hay đổi chủ thế nào thì cái xe chè vẫn đứng sừng sững ở đó.

Tôi đã ăn chè ở đây từ những ngày lên Sài Gòn từ thập niên 2000 cho đến tận bây giờ. Chè của cô Lộc thuộc loại đặc biệt, dù bạn có thử món chè nào thì nó đều ngon và vừa vị không như những chỗ khác. Bao nhiêu năm trôi qua, dù vật đổi sao dời thì vị chè vẫn chẳng thay đổi từ lúc tôi đã ăn lần đầu tiên. Thời sinh viên, tôi đi làm bồi bàn ở quán ăn ngay ngã tư Nguyễn Văn Thủ và Hai Bà Trưng. Mỗi khi vào ca chiều tối, tôi thường đi sớm ra đây ăn một ly chè, ngắm nhìn mây trời rồi vào làm phục vụ đến đêm.

Ít người biết, ẩn sau những bịch chè thơm ngon, màu sắc bắt mắt này còn là cả một câu chuyện đầy cảm xúc của gia đình cô Lộc và chú Vũ .Chuyện tình cảm của họ thật cảm động mà bất cứ một người trẻ nào cũng cần học hỏi hay tỏ lòng thán phục. Họ đã chia tay nhau từ thời đất nước mới giải phóng để kiếm kế sinh nhai vì nghèo đói. Mỗi người một nơi, cô Lộc vào Sài Gòn kiếm kế sinh nhai vì nghe người ta bảo “vô Sài Gòn làm giàu dễ lắm”. Còn chú Vũ ở lại quê nhà cày ruộng thuê, chú cố gắng làm trong 5 năm tích cóp cũng đủ tiền vào Sài Gòn để gặp lại vợ. Hai người gặp nhau, vui mừng khôn xiết, rồi cùng nhau bán chè từ thập niên 80 đến nay.

chè định tiên hoàng

Những ngày đầu mở bán chỉ có 5 loại chè, rồi dần dần đến 24 món chè với đầy đủ mùi vị của 3 miền Nam, Trung, Bắc như hôm nay. Cô Lộc cho biết nguyên liệu nấu chè đều được lựa chọn cẩn thận, phải lấy từ nhà vườn chứ không mua lung tung nên chè ở đây đảm bảo vệ sinh và an toàn. Nhiều người ghé quán chè này đều gọi xe chè này mỗi tên khác nhau : chè “thần kỳ” vì ở đây có nhiều món chè, như kiểu ghé đây thì ăn chè gì cũng có hết. Có người lại gọi là chè “ông tiên” vì chú Vũ chồng cô Lộc có mái tóc bạc phơ như ông tiên vậy, cũng không ít người khi nghe câu chuyện đời của gia đình cô chú thì đặt luôn cho xe chè cái tên chè “Hạnh Phúc” vì chuyện tình cảm của cô chú đã trải qua. Riêng tôi, tôi sẽ đặt tên quán chè của cô chú là quá “quán chè Ký Ức” vì tôi đã ăn chè ở đây từ năm 18 tuổi cho đến tận hôm nay.

Có thể nói việc bán chè đã là nghiệp, chiếm hết hơn cả nữa đời người của cô từ thanh xuân cho tuổi xế chiều. Cũng nhờ xe chè này mà 4 người con của cô đều ăn học đến nơi đến chốn. Vơ chồng cô cũng đã mua được căn nhà ở Sài Gòn cũng từ chính cái xe chè này. Tuy cuộc sống giờ có sung túc hơn xưa nhưng cô vẫn không từ bỏ việc bán chè, cô từng tâm sự không biết sau này cô mất thì cái xe chè này sẽ ra sao, liệu ai còn nhớ không ?Thế mới biết, nếu con người ta làm ăn chất phác, lương thiện thì trời không bao giờ phụ.

chè đinh tiên hoàng

Hôm qua khi tôi đi qua đây như một thói quen tôi mua 2 bịch chè đậu đen và sâm bổ lượng. Tôi còn nhớ khi vợ tôi mang thai, nhớ mùi chè của cô để rồi nàng ấy ăn xong thì 4h sáng tôi và nàng ấy phải đi cấp cứu vì thằng con trai muốn trồi ra khỏi bụng mẹ.

————-

Sài Gòn 04/08/2023

Chim Én

Leave a Reply

Your email address will not be published. Required fields are marked *