baner nner

Tình dục trong các tiểu thuyết của Haruki Murakami

Haruki murakami

Tình dục là một yếu tốkhông thế thiếu trong các tiểu thuyến của Haruki Murakami, nhưng đó yếu tố không thể thiếu trong các tác phẩm văn học Nhật Bản nói chung, và Haruki Murakami nói riêng.

Khái niệm về tính dục

Khi Chủ nghĩa cấu trúc (Structuralism) xuất hiện, người ta cho rằng có thể giải quyết những vấn đề của văn học dựa trên những yếu tố của văn bản mà không cần đến bất kì một sự tham chiếu nào khác từ những nhân tố bên ngoài. Tuy nhiên, sự phát triển mạnh mẽ của xã hội học văn học mà một nhánh quan trọng của nó là nghiên cứu tiếp nhận cũng như sự ra đời của các trường phái Thông diễn học (Hermeneutics), Phái tính (Gender), Nữ quyền luận (Feminism) đã cho thấy sự cần thiết phải đặt văn học trong bối cảnh rộng lớn hơn của những vấn đề về văn hóa xã hội, trong đó có vấn đề diễn ngôn tính dục. Tính dục (sexuality) là một hiện tượng văn hóa. Trần Văn Toàn trong tập tiểu luận Diễn ngôn tính dục trong văn xuôi hư cấu Việt Nam đã trình bày quan điểm của Foucault về tính dục: “Tính dục, trên thực tế, trong những phân tích của Foucault không phải là cái được phát hiện ra (discovered) mà là cái được tạo ra (produced) bởi những diễn ngôn (discourse) nhằm hợp thức hóa những quan hệ quyền lực, nhằm thực hiện một dự đồ nào đó” .

Đặc điểm nổi bật trong nền tảng triết học truyền thống là logic nhị phân về thế giới, tạo nên sự đối lập giữa thể xác và linh hồn, giữa tự nhiên và văn hóa. Điều đặc biệt, quan điểm này đã hình thành ý niệm con người là một sinh vật mang tính văn hóa nên những cạnh khía tự nhiên của nó được xem là cái cần được khắc phục, chế ngự và kiểm soát. Bởi vậy những diễn ngôn về phương diện văn hóa của con người được hợp thức hóa, nằm ở trung tâm, trong khi những diễn ngôn về phương diện tự nhiên lại bị loại bỏ, nằm ở ngoại biên. Tuy nhiên, triết học hiện đại và hậu hiện đại đã vượt lên thế đối lập nhị phân của triết học truyền thống để chỉ ra rằng bản chất con người là sự phức hợp giữa thể xác và linh hồn. Hiện hữu của con người mang trong bản thân cả ý thức và vô thức về cái chết, cái hữu hạn của mình; con người, vì thế bị xâm lấn trước cái vô hạn, vô cùng trong thể nghiệm tôn giáo và những hoan lạc của tính dục.

–  Tình dục ngỡ như là hoạt động mang tính sinh học nhưng thực ra có liên quan nghiêm ngặt đến các chuẩn mực, điều cấm đoán, nghi lễ, giá trị, cấm kị, thần thoại, tức là những điều gắn với nền tảng văn hóa rất đặc thù.

 Có lẽ tính dục cũng là một vấn đề đáng bàn trong tiểu thuyết của nhà văn đương đại Nhật Bản này. Theo chúng tôi, tính dục được xem là một ẩn dụ của Haruki Murakami thể hiện quan niệm, một cách lí giải của người nghệ sĩ về cuộc sống. Các nhân vật trong Rừng Nauy, Biên niên kí chim vặn dây cót, Kafka bên bờ biển hay Người tình Sputnik… tìm đến tình dục để khỏa lấp nỗi cô đơn của mình. Họ cô đơn trong tình yêu, trong tình dục. Quan niệm tình dục mang màu sắc Nhật Bản là thứ tình dục lang chạ, bừa bãi. Ở lễ hội UTAGAKI của người Nhật, mọi người trao đổi xác thịt khi tế lễ, ai muốn ngủ với ai cũng được. Phải chăng đó là mầm mống của tình dục loạn luân. Văn học Nhật Bản là nền văn học sắc tình với mỹ học yêu thích tình ái. Đó không đơn thuần là mối quan hệ nam nữ mà còn là sự phức tạp trong những mối quan hệ tình dục. Vì thế, đối với người Nhật, tình cảm luôn được đặt lên hàng đầu. Rất hiếm khi, người Nhật đưa những vấn đề tình yêu, tình dục ra phán xét dưới cái nhìn của nhãn mác đạo đức, tôn giáo, giai cấp, giới tính. Nhà phê bình Motoori Norinaga nhận xét rằng chất bùn ô trọc của những tình yêu bất chính trong truyện Genji không đưa ra để làm gương mà để vun trồng cho loài hoa của niềm bi cảm nhân sinh.

Trong tiểu thuyết Haruki Murakami, người đọc có thể bắt gặp rất nhiều kiểu tình dục như vậy. Đó là mối quan hệ tình dục giữa anh trai và em gái trong BIÊN NIÊN KÝ CHIM VẶN DÂY CÓT, là mối quan hệ của người con trai muốn giết cha và lấy mẹ, xem người mẹ như một người tình trong KAFKA BÊN BỜ BIỂN, tình dục đồng tính trong NGƯỜI TÌNH SPUTNIK, tình dục bất thường giữa vị Lãnh tụ với những cô gái chưa có kinh lần đầu, tình dục loạn luân giữa chú và cháu trong 1Q84… Sáng tác của ông đã phản ánh một góc nhìn trong cuộc sống của con người Nhật Bản đương đại với nỗi cô đơn, cái chết và cả những quan niệm về tình dục. Tình dục trên trang viết của Haruki Murakami như những bức tranh khỏa thân vừa mang hương vị nồng nàn, rưng rưng đầy da thịt vừa có sự trần trụi trong veo của mỹ học Nhật Bản. Biểu tượng cái chết trong tiểu thuyết của Haruki Murakami luôn gắn liền với tình dục.

Tình dục là sự khẳng định sự sống trong cái chết. Quan điểm này được Georges Bataille, một triết gia và nhà phê bình văn học Pháp, người nổi tiếng về các lý thuyết sắc dục đặt ra trong công trình Văn học và cái ác. Theo ông: “Giới tính ngầm chỉ cái chết, không chỉ theo nghĩa những người mới đến nối tiếp và thay thế những người mất đi, mà nó còn làm thay đổi cuộc sống của thực thể sinh sản. Sinh sản là sự biến mất, ngay đến những loài vô tính đơn giản nhất cũng phải tự sinh sản. Chúng không phải chết đi, nếu ra hiểu chết là bước chuyển từ sự sống sang sự tan rã, nhưng người tự sinh sản sẽ thôi là chính mình. Cái chết của một cá nhân chỉ là một phương diện của sự tăng sinh quá mức của thực thể sống” .Vì vậy, không một sinh vật nào có thể tới được sự sinh sản nếu không tự buông mình vào sự vận động mà cái chết là hình thức trọn vẹn. Cái chết gắn liền với tình dục như là sự phủ định trạng thái đơn độc của cái tôi biết cảm nhận khoái cảm đến mức quên bản thân mình, lúc mà nỗi cô đơn của thực thể biến mất, đó là sự tan rã và cái chết lộ ra.

Haruki murakami

Tình dục đối với Haruki Murakami

Với Haruki Murakami, tình dục vừa mang vẻ trần trụi, chân thực vừa gắn với tư duy về tồn tại trong trạng thái của sự kết hợp mang tính chất nguyên thủy. Với tư duy nghệ thuật tâm linh siêu thực, tình dục giúp con người nhận ra dù tinh thần họ đã chết nhưng thể xác vẫn còn sống. Nếu thế giới nghệ thuật của ông tràn ngập những hình ảnh huyền ảo, siêu thực thì những cảm xúc cao trào nguyên thủy vô thức tình dục lại chân thực hơn bao giờ hết. Có hai biểu tượng không gian luôn song hành cùng nhau trong KAFKA BÊN BỜ BIỂN là thư viện và khu rừng. Nếu thư viện là sự biểu tượng hóa của thế giới tư duy duy lý, nơi thử thách những khám phá về trí tuệ thì khu rừng gắn với tư duy huyền thoại, là mê cung bí ẩn. Đó cũng có thể xem là sự kết hợp giữa kí hiệu ánh sáng và bóng tối, giữa sự sống và cái chết, giữa thế giới bên ngoài với thế giới bên trong, giữa thể xác và tinh thần.

Còn tiểu thuyết RỪNG NAUY lại kiến tạo nên thế giới với các cảnh quay của một bộ phim diễm tình: “Tắm trong ánh trăng dìu dịu, thân thể của Naoko ánh lên như da thịt sơ sinh khiến tôi (Toru) thấy tan nát cõi lòng. Khi nàng cử động, và nàng cử động nhẹ đến mức hầu như không thấy được, những chỗ sáng tối trên người nàng di động thật tinh tế. Khối tròn trịa căng phồng của cặp vú, hai đầu vú nhỏ xíu, chỗ lõm vào ở phần rốn, cặp xương hông và đám lông mu, tất cả đều tạo nên những bóng đổ li ti lấm chấm mà hình dạng của chúng liên tục biến đổi như những gợn sóng lăn tăn trên mặt hồ phẳng lặng”

Biểu tượng ánh trăng còn xuất hiện trong BIÊN NIÊN KÝ CHIM VẶN DÂY CÓT :Trong ánh trăng đang tuôn từ cửa sổ vào kia có một cái gì đó đặc biệt, nó quấn quanh thân thể em thành một lớp bảo vệ mỏng, sát vào da. Ít ra là em cảm như vậy. Em đứng đó, trần truồng, trong một lát, thế rồi em lần lượt chìa từng bộ phận cơ thể mình ra cho nó tắm trong ánh trăng. Em chẳng biết tại sao, dường như đó là việc làm tự nhiên nhất trên đời vậy. Ánh trăng đẹp tuyệt vời, đẹp vô ngần đến nỗi em không thể không làm vậy. Đầu em, vai em, tay em, ngực em, bụng em, chân em, mông em, và cả vùng quanh đó nữa, anh biết rồi đấy, lần lượt từng cái một, em nhúng vào ánh trăng, như đang tắm vậy” .

Ánh trăng mơn trớn da thịt của nàng khiến cho ngôn ngữ của Haruki Murakami trở nên đẹp lạ thường. Không phải ngẫu nhiên nhà văn cho nhân vật của mình trần truồng dưới ánh trăng. Bởi thực ra, ánh trăng là biểu tượng văn hóa gắn liền với không gian âm tính (so với mặt trời/dương tính), đồng thời ánh trăng chỉ xuất hiện vào không gian đêm (kí hiệu của bóng tối/ âm tính). Trăng ở đây cũng như sự mã hóa kí hiệu trong cuộc ân ái giữa Chí Phèo và Thị Nở. Thị đi cõng nước, ngủ quên ở triền đê, gặp Chí Phèo say rượu đang trên đường về. Thế là kẻ rạch mặt ăn vạ có cuộc ân ái giao hoan với cô gái tưng tửng dở hơi. Cũng không phải ngẫu nhiên mà Nam Cao kí hiệu hóa không gian làm tình ở đây bằng những biểu tượng: ánh trăng, bóng tối, triền đê, nước. Đây là một chuỗi liên kí hiệu mang tính biểu trưng cao: Ánh trăng, bóng tối là những không gian âm tính.

Nước là cổ mẫu của sinh sản, ẩm ướt. Bóng tối còn biểu trưng cho tử cung của người phụ nữ. Tất cả hé lộ với chúng ta kết quả của cuộc giao hoan này sẽ có một thằng Chí Phèo con ra đời, để đến cuối văn bản là hình ảnh Thị nhìn ngay xuống bụng và trước mắt Thị hiện ra cái lò gạch cũ, bỏ không.

Hình tượng ánh trăng trong tiểu thuyết Haruki Murakami

Vì thế, hình ảnh nàng Naoko trần truồng dưới ánh trăng mà những chuyển động tinh tế trên cơ thể nàng tạo nên nhưng vết đổ của bóng tối và hình ảnh Kano Creta tắm trăng thực chất là biểu tượng của tình dục. Trăng trong bức tranh tuyệt đẹp của Murakami là biểu tượng: “của các nhịp điệu sinh học: là thiên thể lớn lên, nhỏ đi, rồi biến mất, có cuộc sống tuân thủ quy luật của sự tiến triển, sinh thành và sự chết… trăng mang một số phận thống thiết cũng như số phận con người, nhưng cái chết của nó không bao giờ là chết hẳn. Việc mãi mãi quay lại hình dạng ban đầu đó, tính tuần hoàn bất tận đó khiến trăng là thiên thể cầm nhịp tốt nhất cho sự sống” .Như vây, với đặc tính chu kì, trăng là biểu tượng của thời gian trôi đi, của nhịp tuần hoàn trong chu kì kinh nguyệt, biểu trưng cho khả năng sinh sản của người phụ nữ, cỏ cây, số phận của con người sau khi chết và những nghi lễ thụ pháp. Những ân ái tình dục trong tiểu thuyết của Murakami thường gắn liền với ánh trăng mà trăng được xem là “cái chết đầu tiên”.

Trong mỗi tháng âm lịch, trăng như là chết, biến mất, hiện ra và sáng dần lên. Cũng như vậy, mỗi người chết được coi là đạt đến một vòng sống mới nên trăng là sự chuyển tiếp giữa cái chết và sự sống. Chính vì thế, cái chết trong tiểu thuyết của ông chính là biểu hiện của quan niệm tình dục (biểu tượng ánh trăng) chính là sự khẳng định của sự sống trong cái chết.

Tiểu thuyết BIÊN NIÊN KÝ CHIM VẶN DÂY CÓT miêu tả những ám chỉ của tình dục gắn liền với biểu tượng cái giếng. Nhân vật KANO CRETA trong giấc mơ đã đi xuống giếng để trải nghiệm thế giới bên trong của chính mình. Biểu tượng giếng sâu không chỉ là tầng vô thức bí ẩn mà còn là một vũ trụ của tình dục gắn với tử cung của người đàn bà, của bóng tối, sự ẩm ướt: “KANO CRETA hoàn toàn khỏa thân. Cô nằm quay mặt về phía tôi mà ngủ ngon lành, không mảnh vải che thân, lồ lộ cặp nhũ hoa đẹp đẽ, đôi núm vú nhỏ hồng hồng, dưới cái bụng phẳng lì là mảng âm hộ tình tam giác đen nhánh trông như khoảng tối trên một bức tranh. Da cô trắng phau, ánh lên như thể vừa mới đúc” .

Giếng tượng trưng cho sự dồi dào, sung mãn của sự sống. Đặc biệt, trong mọi truyền thống văn hóa: “giếng đều được mang một tính chất linh thiêng, chúng hiện ra như một sự tổng hợp của ba cấp vũ trụ: trời, đất, địa phủ, của ba yếu tố: nước, đất, không khí, chúng là con đường liên thông của sự sống… Nó thông với nơi ở của người chết” . Vì vậy, biểu tượng giếng gắn với thế giới chiều sâu vô thức tính dục trong BIÊN NIÊN KÝ CHIM VẶN DÂY CÓT một lần nữa đã nối dài sự sống trong cái chết. Đây cũng là khát vọng bất tận của nhân loại trong quá trình tồn tại.

Kết luận 

Vậy là, con người luôn thường trực nỗ lực không ngừng nghỉ nhằm xóa bỏ dấu vết, biểu tượng cái chết bằng cách trốn chạy về phía chống lại cái chết. Tuy nhiên, bóng của cái chết dường như vẫn bao phủ thế giới tinh thần của họ bằng nỗi sợ hãi, niềm tổn thương vô tận. Văn chương nói chung và tiểu thuyết của Haruki Murakami nói riêng không ngừng làm sống lại trước chúng ta những bức tranh tan tác, đau thương với niềm bi cảm về sự hữu hạn của đời sống và sự hiện hữu của cái chết trong sự sống, bằng thế giới tình dục như là sự khẳng định sự sống trong cái chết. Với biểu tượng cái chết, Murakami đã thể hiện tư duy phức hợp trong nhận thức đời sống: bóng tối là một phần của ánh sáng, chết là một phần của sự sống, thể xác là một phần của linh hồn. Nhà văn tìm thấy sự chênh vênh, xô lệch của con người ngay ở khoảng ranh giới, nơi ôm ấp sự toàn vẹn, nơi họ vừa sợ hãi vừa hạnh phúc. Điều đặc biệt, từ âm hưởng bi cảm của văn học xứ sở Phù Tang, Murakami đã kiến tạo biểu tượng cái chết không chỉ kết tinh mẫu hình văn hóa Nhật Bản mà còn hòa âm vào bản giao hưởng con người cô đơn hậu hiện đại khi làm nổi bật biểu tượng cái chết của chủ thể và mở ra thế giới huyền ảo đằng sau cái chết gắn liền với tư duy thần thoại trong văn hóa cổ sơ.
——————
LÊ THỊ DIỄM HẰNG
Giảng Viên Khoa Ngữ văn, trường Đại học Sư phạm, Đại học Huế

Chim Én

Leave a Reply

Your email address will not be published. Required fields are marked *

%d bloggers like this: