baner nner

Đọc Tazaki Tsukuru không màu và những năm tháng hành hương – nghĩ về sự mất màu trong mỗi chúng ta

Tazaki Tsukuru không màu - haruki murakami

Haruki Murakami là cái tên đã quá đỗi quen thuộc với 15 tác phẩm tiểu thuyết nổi bật và hơn 50 truyện ngắn đã được xuất bản với nhiều thứ tiếng. Tazaki Tsukuru không màu và những năm tháng hành hương là cuốn tiểu thuyết thứ 14 của nhà văn, phát hành tại Nhật Bản năm 2013 và đến tay người đọc Việt Nam vào cuối năm 2014, dưới bản dịch của dịch giả Uyên Thiểm (Lương Việt Dũng), người đã từng tiếp xúc và trao đổi trực tiếp với Haruki Murakami tại Nhật Bản.

Nếu các bạn đã từng yêu mến tiểu thuyết Rừng Nauy (1987), vậy thì thực sự không nên bỏ qua cuốn tiểu thuyết Tazaki Tsukuru không màu và những năm tháng hành hương. Dù tuổi đời cách nhau hơn 26 năm – một khoảng thời gian dài đủ để cho mọi thứ thay đổi, thế nhưng với tác phẩm sinh sau đẻ muộn này, Haruki Murakami đã chứng minh con đường văn chương của ông không nằm trong những thứ đó. Đọc từ Rừng Nauy cho đến Tazaki Tsukuru, chúng ta như được đi trên một chuyến tàu thời gian, nơi mà Haruki Murakami sống hai lần tuổi trẻ, trải nghiệm và kể lại cho người đọc hai thế giới khác nhau trong cùng một linh hồn thanh xuân bất biến. Ở đó, vẫn là những câu chuyện sâu thẳm về tình bạn, tình yêu, về những ám ảnh hành hạ cả một kiếp người, những khổ đau trầm uất và cả những hi vọng thanh tân lóe lên để cứu chuộc những kẻ hành khuất đoạ đày.

Tazaki Tsukuru không màu và những năm tháng hành hương là cuốn sách tương đối ảm đạm và u uất, có nhiều tình tiết mang tính chết chóc, thần bí và thực sự khó giải thích. Thế nên bản thân mình có lời khuyên đến các bạn đang mang ý định tìm đọc tác phẩm này, đó là nên đọc vào những lúc thực sự có thời gian để chiêm nghiệm. Điều này sẽ tránh việc bị ngắt quãng trong tư duy, dẫn đến khó hiểu và có những đánh giá sai lệch về giá trị nghệ thuật của tác phẩm.

Câu chuyện kể về chuyến hành hương của một người đàn ông 36 tuổi tên là Tazaki Tsukuru. Dưới sự thúc đẩy của người bạn gái Sara, Tazaki đã bắt đầu chuyến đi kiếm tìm lời giải đáp cho những câu hỏi, những nỗi ám ảnh triền miên mà tuổi trẻ anh đã hèn nhát chôn sâu vào tận đáy lòng. Đó là lời giải cho việc Tazaki bị nhóm bạn thân thiết bỏ rơi một cách đầy hụt hẫng vào năm 20 tuổi. Vì không đủ can đảm để truy nguyên đến cùng sự thật, vì lòng tự trọng và cả sự tự ti đã khiến Tazaki của lúc ấy tự chấp nhận cái lý do mình bị bỏ rơi là vì bản thân không đủ quan trọng với những người bạn, vì đã bỏ quê hương để đến Tokyo học hành, vì không có màu sắc trong tên gọi… Sự chối bỏ của nhóm bạn như phát súng kết thúc quãng đời thiếu niên của Tazaki, khai sinh ra một bản thể Tazaki trưởng thành, u uẩn, mang trong tâm thức những vết thương sâu cho đến tận mãi 16 năm sau này.

Trong chuyến hành hương đi tìm lại bản thể, ngoài việc khám phá ra cái lý do kinh hoàng và vô lý đã khiến anh bị bỏ rơi ngày xưa, Tazaki còn được chứng kiến sự đổi thay, sự “mất màu” của những người bạn một thời thân thuộc. Rõ ràng rằng khi đã trưởng thành thì ai cũng phải khác đi, ai cũng có những nỗi đau và cả sự chối bỏ, trốn chạy khỏi chính bản tâm mình. Nhận ra điều đó, Tazaki trở lại hiện thực cùng với quyết tâm truy cầu hạnh phúc, níu giữ lấy Sara, người con gái mà anh đang yêu thương để không phải hối hận thêm một lần nào nữa.

Tazaki Tsukuru không màu

TAZAKI TSUKURU VÀ NHỮNG NGƯỜI BẠN

Nếu nói cuộc đời này là một món ăn thì tình bạn chính là một loại gia vị không thể thiếu. Chúng ta ai cũng đã từng có bạn, thậm chí có những người bạn thân thiết như cùng một gia đình. Đó là những người mà khi ở bên họ ta được là chính bản thân ta, được ngông cuồng tự tại, được vui cười không một chút tính toan. Tazaki Tsukuru cũng có những người bạn như vậy, đó là:

=>Akamatsu Kei: Đỏ (Ako) – Thông minh, nhạy bén và kiêu hãnh.

=>Oumi Yoshio: Xanh (O) – Thật thà, bộc trực và vững tâm.

=>Kurono Eri: Đen (Kuro) – Mạnh mẽ, gần gũi và thấu đáo.

=>Shirane Yuzuki: Trắng (Shira) – Mỏng manh, cao quý và tinh khiết.

Mỗi người trong nhóm bạn của Tazaki Tsukuru đều mang một màu sắc riêng trong tên gọi, và họ cũng có những cá tính, sở thích nổi bật của mình. Điều này đã khiến Tazaki cảm thấy tự ti. Tazaki không có màu sắc trong cái tên của mình và cũng tự đánh giá mình là “tầm thường”, không ước mơ, sở thích hay tính cách gì đáng nói. Trong một nhóm bạn đầy màu sắc, sự tồn tại của Tazaki đúng thật là đôi lúc kém nổi trội hơn nhiều, nhưng chính sự kém nổi trội và trầm lắng của Tazaki lại là một thứ chất xúc tác, dung hoà các màu sắc khác nhau ở cạnh bên nhau. Ở bên nhóm bạn, Tazaki cảm nhận được sự gần gũi, tự nhiên, và chính những người bạn của anh cũng cảm giác như vậy khi ở bên anh, giống như Xanh đã nói:

“Không, không phải theo cách đó. Rất khó giải thích nhưng có cái gì như thể chỉ cần mày ở đó thì cả bọn sẽ được là chính mình một cách hết sức tự nhiên. Mày không nhiều lời, nhưng sống với hai bàn chân bám chắc trên mặt đất, điều đó tạo cho cả nhóm một cảm giác vững vàng thầm lặng, giống như cái neo tàu. Từ khi không còn mày, bọn tao mới thật sự cảm nhận được điều này. Có lẽ vì vậy mà từ khi không còn mày, bọn tao bỗng trở nên tản mác.”

Rất rõ ràng là Tazaki đã tự đánh giá bản thân mình quá thấp, sự choáng ngợp trước những người bạn mang cá tính mạnh và màu sắc nổi bật đã khiến Tazaki trở nên tự ti. Anh không nhận ra được rằng giá trị của mình trong nhóm bạn quan trọng đến nhường nào, để rồi mặc định buông xuôi khi cho rằng mình bị bỏ rơi. Nếu nói một cách trừu tượng, Tazaki không màu chính là trang giấy để vẽ nên một bức tranh, một trang giấy không màu sắc nhưng có thể đón nhận tất cả các màu, có thể trở thành nơi mà các màu sắc có không gian để giao thoa cùng nhau. Nếu thiếu đi trang giấy tưởng chừng như không quan trọng đó, những màu sắc sẽ chỉ còn là những mảng riêng biệt nằm vô nghĩa mãi hoài trên những khay màu đơn độc.

VỀ SỰ MẤT MÀU TRONG TÁC PHẨM VÀ TRONG MỖI CHÚNG TA

“Ai rồi cũng phải khác đi.”
Từ sâu trong cơ thể sinh học của chúng ta, các tế bào vẫn đang thay đổi hàng ngày. Sự thay đổi của con người chậm rãi như luộc ếch sống bằng nước lạnh, điều này khiến chúng ta không nhận ra thực tế là bản thân mình đang dần thay đổi, đang dần trở nên hoàn toàn khác so với quá khứ. Những người bạn của Tazaki cũng vậy, họ chỉ là những chú ếch chịu thỏa hiệp với dòng nước đang nóng dần lên theo dòng chảy thời gian, đến khi nhận ra thì màu sắc trong họ đã chết dần đi – không còn kịp để giãy dụa hay phản kháng. Như mình đã nói ở phần tóm tắt, trong quá trình đi tìm hiểu lý do cho việc bị bỏ rơi của ngày xưa, Tazaki đã được chứng kiến sự đổi thay, sự “mất màu” đến không ngờ của những người bạn thân thuộc một thời, cụ thể là:

=> Akamatsu Kei: Đỏ – Trở nên gian trá, lạnh lùng trong việc bán khoá học và tuyệt vọng

=> Oumi Yoshio: Xanh – Trở nên hoạt ngôn, cứng nhắc và mỏi mệt, trưởng phòng kinh doanh xe hơi

=> Kurono Eri: Đen – Trở nên yếu đuối, trốn chạy và an phận, trở thành thợ gốm rồi định cư ở Phần Lan.

=> Shirane Yuzuki: Trắng – Trở thành một người chết đầy bí ẩn sau quá trình khổ đau, hoang tưởng.

– Đỏ không còn kiêu hãnh.
– Xanh không còn kiên định.
– Đen không còn mạnh mẽ.
– Trắng không còn tinh khiết.

Mất đi những cá tính đặc trưng của tuổi thiếu niên, nhóm bạn của Tazaki không còn là Đỏ, Xanh, Đen hay Trắng. Họ chỉ còn là Akamatsu, Oumi, Kurono, Shirane, chỉ còn là những cái tên tầm thường dùng để định danh, là những kẻ trưởng thành “mất màu” và cô độc, vận hành một cách vô vọng với những nỗi đau trong guồng quay tất bật của cuộc đời.

Có lẽ, Tazaki chính là người ít thay đổi nhất trong nhóm bạn, anh của năm 36 tuổi vẫn vậy, vẫn là một Tazaki hiền lành ít nói, vẫn giữ cho mình ước mơ với những nhà ga và đã thật sự làm việc đúng với ước mơ của mình. Vị trí của những ga tàu trong xã hội cũng phản ánh lên vị trí của Tazaki trong nhóm bạn. Những nhà ga như một điểm giao thoa nhỏ bé và yên bình giữa người đến và người đi, nó dung nhập được tất cả loại người với tất cả màu sắc. Những chuyến tàu nếu không có nhà ga sẽ giống như nhóm bạn thiếu đi Tazaki vậy – rời rạc và không thể vận hành.

Mình cũng đã từng có những người bạn rất thân từ lúc ấu thơ, thân như ruột thịt. Vào thời điểm ấy, không một ai trong số chúng mình nghĩ rằng sẽ có một ngày không còn bên nhau nữa. Rồi thời gian trôi qua, cuộc đời cứ thế đẩy chúng mình rời xa nhau về cả khoảng cách địa lý lẫn địa vị xã hội. Để rồi đến khi gặp lại, ánh mắt những người bạn thân thiết ngày nào nhìn nhau đều không còn trong trẻo, vô tư nữa. Ai cũng đã trở thành người lớn, một kiểu người lớn quy chuẩn và nhạt nhẽo.

Sự ngăn cách vô hình khiến chúng mình không thể trải lòng cùng nhau, cũng vì thế mà không còn hiểu nổi nhau. Đó cũng chính là lúc mình nhận ra, mình – và tất cả bọn họ đều đã chết đi một phần hồn nhiên, đánh mất đi một phần sắc màu của tuổi trẻ. Chúng mình sẽ mãi mãi không thể thân thiết trở lại như ngày ấu thơ, bởi vì không còn ai là chính bản thân của ngày xưa nữa. Cả mình, cả họ, và tất cả chúng ta đều sẽ phải đánh đổi sắc màu của riêng mình để có thể tồn tại trong xã hội này, một xã hội cô đơn không có chỗ cho màu sắc.

 TẠM KẾT

Mình gấp lại những trang sách trong sự bối rối và nhiều dòng suy nghĩ. Trong tác phẩm này của Haruki Murakami, mình nhìn thấy được nhiều mặt phản chiếu khá trùng hợp với bản thân, nên có thể nói là tác phẩm đã ảnh hưởng đến con người mình rất nhiều. Nhân vật chính Tazaki khá may mắn, anh có một gia đình giàu có hậu thuẫn và cũng vì thế mà anh tự do theo đuổi đam mê, được giữ lại màu sắc bình phàm của mình. Cuộc sống của đa phần chúng ta thì không được may mắn như vậy, chúng ta đều phải gieo mình ra xã hội để sống với những mục tiêu thực tế hơn. Như những chú khỉ buộc phải bơi, những loài cá buộc phải leo trèo. Chúng ta đôi khi phải làm những công việc mà mình không yêu thích, gồng mình 8 tiếng, 10 tiếng trong công việc tù túng và những mối quan hệ xã giao. Có lẽ, ngoài một số ít những người may mắn thì đa phần chúng ta ai rồi cũng sẽ như Xanh, như Đỏ – dần dần mất đi những màu sắc của riêng mình.

Khi giới thiệu tác phẩm này đến những người bạn, mình nhận được nhiều phản hồi tiêu cực hơn là tích cực. Mình chỉ muốn nói rằng Tazaki Tsukuru không màu và những năm tháng hành hương là một cuốn tiểu thuyết khá nặng nề và sâu sắc, thế nên vẫn còn rất nhiều vấn đề mình chưa thể nêu lên hết trong bài viết như: Về cái chết kỳ bí của Trắng, về lý do cô buộc tội Tazaki, lý giải về nhân vật Xám, về nhân vật Xanh lục trong câu chuyện mà nhân vật Xám kể, về những giấc mơ của Tazaki, về cái kết… Những chủ đề mở này đều có tính u ám và huyền bí, mỗi người đọc sẽ có những cách lý giải của riêng mình, cho nên tác phẩm này hay hay là dở, sâu sắc hay nông cạn là tùy vào gu đọc cùng với khả năng cảm thụ riêng của mỗi người đọc chúng ta.

——————-
Nguyễn Đình Duy Lộc

Chim Én

Leave a Reply

Your email address will not be published. Required fields are marked *