baner nner

7 Nguyên Lý Hermetic – Quy Luật Vận Hành Của Vũ Trụ Huyền Bí

Hermetic

Nhân quả là một quy luật bất di bất dịch, nó không trừng phạt con người một cách độc đoán, mà chỉ mang lại một kết quả không thể tránh khỏi, tương đương với nguyên nhân gây ra nó.” – Swami Amar Jyoti

Từ bao đời nay, con người ta đã quá quen thuộc với quy luật nhân quả của vũ trụ huyền bí –gieo nhân nào sẽ gặp quả đó, mỗi quả đều có một nhân tương ứng, ta lấy đó làm hồi chuông cảnh tỉnh trước những quyết định, lựa chọn và hành động của bản thân.  

Tuy nhiên, song hành với Quy luật Nhân quả, ta cần phải lưu tâm tới 7 loại quy luật khác nữa, để có thể làm chủ vận mệnh, nhìn thấu vạn sự ở đời, đồng thời, tân tiến trên cung đường phát triển bản thân, từ bất toàn lên tới tận thiện, đạt được một cuộc sống đong đầy, trù phú trên cả bình diện vật chất, lẫn tinh thần. 

Đó chính là 7 Nguyên lý Hermetic cổ xưa, tuy đã nhuốm màu của thời gian, nhưng cũng tương đương như luật Nhân quả, vẫn có sức mạnh chi phối, và sự ảnh hưởng to lớn cho đến tận ngày nay

Hermetic

Liệu bạn đã bao giờ nghe tới trường phái triết học huyền bí Hermeticism, hay kỳ thư Kybalion chưa? Hoặc cũng có thể, bạn chưa mấy để tâm đến những gì nguyên lý Hermetic truyền đạt lại.

Đáng ngạc nhiên thay, những nguyên lý vốn đã nhuốm màu thời gian này, có thể được áp dụng vào thế giới thực tại.

Nguyên lý Hermeticism về quán triệt bản thân, có thể được áp dụng bởi bất kỳ ai đang mong mỏi được tân tiến trên cung đường phát triển bản thân, đặc biệt hữu hiệu đối với những người vốn đã tin sâu vào luật Hấp dẫn, bạn cũng có thể thấy ở phần mở đầu của bài viết này một vài luận điểm quan trọng, mà quen thuộc.

Khi đã hiểu về triết học Hermeticism, bạn sẽ có năng lực đẩy lùi những chướng ngại vật thông thường sẽ gặp phải trên đường đời, để có thể làm chủ cuộc sống một cách hiệu quả.

Chúng ta sẽ cùng nhau đi sâu vào từng nguyên lý thành hình vũ trụ vạn vật – các nguyên lý Hermetic, và mối liên hệ giữa chúng với luật Hấp dẫn.

Khi đã hiểu rõ về 7 nguyên lý Hermetic, bạn sẽ có thể áp dụng chúng vào thực tế đời sống, và thành công phá cách trong tư duy.

Hermeticism là gì?

Hermeticism là một hệ thống tín ngưỡng truyền thống, tồn tại từ thế kỷ thứ nhất, và thứ hai trước công nguyên, một trong những hệ thống tín ngưỡng lâu đời nhất dành cho những người không theo đạo Thiên chúa, mà vẫn có giá trị vận dụng cho tới ngày nay.

Những giáo huấn trọng yếu liên quan tới Hermeticism đã được người đời lưu giữ. Chúng có thể được tìm thấy tại các tàng thư các thuộc về Đế quốc La Mã Phương Đông (Byzantine) chứa đựng cơ man nào là những tác phẩm, và bút tích được biết đến với tên gọi Corpus Hermetica, giải thích về từng nguyên lý quan trọng vận hành nên thế giới này. Tài liệu sau cùng được biên tập sang tiếng Latinh vào khoảng thế kỷ thứ 15.

Nhiều người cho rằng, chúng được sử dụng như một nền tảng truyền cảm hứng, có tác động đến nhiều nhà triết gia cũng như các họa sĩ vĩ đại xuyên suốt thời Phục Hưng Ý (Italian Renaissance) hẵng còn tại vị.

Những tài liệu này hiện tại vẫn còn phổ biến là nhờ vào các thành viên của Hội Tam Điểm (Freemasons), những người đã khai quật lại các nguyên lý Hermetic và truyền đạt cho từng môn đồ mọi khám phá mà họ đã học hỏi được.

Một trong những lý do khác nữa lý giải vì sao triết học Hermeticism vẫn còn được biết đến ngày nay là bởi, nó hỗ trợ trong công cuộc giải thích về từng yếu tố cấu thành nên thế giới thực tại, theo những cách thức vi tế, trường kỳ mà bền bỉ với thời gian.

Hermeticism giải đáp lại toàn bộ những thắc mắc con người ta hẵng còn vướng bận ngay từ thuở sơ khai, đồng thời, vạch ra mối nối của vũ trụ toàn phần, nhấn mạnh những năng lực độc nhất vô nhị của loài người, có thể mang lại sự đổi thay tích cực. 

Thêm vào đó, các học thuyết Hermeticism cũng tương thích với phần lớn quan điểm của ngành khoa học hiện đại. Các học thuyết vũ trụ này có thể dễ dàng hợp nhất với hàng loạt loại hình tôn giáo khác biệt (đồng thời, cũng thỏa mãn cả các quan điểm vô thần).

 

Hermes Trismegistus

Hermes Trismegistus được xem là cha đẻ của học thuyết Hermeticism.

Ông cũng được xác nhận là tác giả của bộ Corpus Hermeticum (và bộ Emerald Tablet – Bản khắc được viết trên phiến đá màu xanh lục bảo, giải thích về bản chất và nguồn gốc của vũ trụ cũng như vai trò của con người).

Tuy nhiên, Hermes lại không được công nhận là một cá nhân độc lập, thay vào đó, đa số đều cho rằng, ông đại diện cho một số nhân vật thần thoại; trong số đó có thần Hermes (một trong 12 vị thần ngự trên đỉnh Olympus của thần thoại Hy Lạp), và thần Thoth (vị thần cai quản Mặt Trăng trong tín ngưỡng Ai Cập cổ đại, vị thần của pháp thuật, văn tự và kiến thức).

Tuy nhiên, một vài học giả lại tin rằng, ông thực chất là một người trần mắt thịt.

Một vài cá nhân khác còn đưa ra giả thuyết rằng, có hai người được gọi chung là Hermes Trismegistus.

Theo cách đó, tất cả những giả thuyết này đều đóng vai trò tạo nên triết học Hermetic.

Những tín đồ sống theo các giáo lý Hermetic cho rằng, danh tính thật của Hermes Trismegistus không quan trọng, thay vào đó, họ tập trung vào các giáo lý Hermetic để ứng dụng vào đời sống hiện tại.

Dẫu cho danh tính của ông hiện vẫn chưa được xác định rõ ràng, ông đã trở thành một biểu tượng của pháp thuật, sự huyền bí, những mối liên kết và cả giả kim thuật (alchemy).

Đồng thời, bộ Corpus Hermeticum đã mang lại những ảnh hưởng to lớn, trở thành thứ tài sản vô giá đối với nền văn minh cổ đại, cho đến tận ngày nay.  

Hermetic

Kỳ thư Kybalion và các nguyên lý Hermetic

Đa số các lý thuyết Hermeticism đều được cô đọng lại trong cuốn kỳ thư Kybalion.

Cụ thể, Kybalion là cuốn sách được phát hành bởi một (hoặc một vài) nhân vật được người đời gọi là “Ba nhà Khai ngộ” (Three Initiates). Tên của cuốn sách có liên quan tới 3 bình diện tạo nên sự sống (three planes of existence): thế giới vật chất (the physical), thế giới của tâm thức (the mental), và thế giới tinh thần (the spiritual). Cuốn sách này cũng được liên đới tới các nguyên lý Hermes, về quyền làm chủ 3 bình diện kể trên.

Theo kỳ thư Kybalion, 7 nguyên lý Hermetic sẽ định hướng con người ta hiểu rõ hơn về Vũ trụ. Từng chương của cuốn sách sẽ tận tình giải đáp và mô phỏng từng nguyên lý một. Ta có thể liên tưởng đến 7 nguyên lý này như những quy luật, hoặc các học thuyết mang tính phổ quát.

Vào lần đầu tiên tiếp cận cuốn sách, bạn ắt sẽ cảm tưởng như Kybalion được xây dựng dựa trên những khía cạnh trừu tượng, không mấy liên quan tới viễn cảnh cuộc sống thường nhật, và con người của đời sống đương đại. Tuy nhiên, khi bạn dành thời gian để tìm tòi, và cân nhắc những thông điệp cốt lõi của từng Nguyên lý, bạn ắt sẽ vỡ lẽ rằng, từng nguyên lý luôn bao hàm những ý nghĩa rộng lớn, và có khả năng ứng dụng mạnh mẽ. 

Ba bình diện của Sự sống và luật Hấp dẫn

Như đã đề cập ở phần trên, theo học thuyết Hermetic, có 3 bình diện hình thành nên sự sống, và đó chính thế giới vật chất, tâm thức và tinh thần. Thuyết Hermeticism đề ra mối liên hệ sâu sắc giữa cả 3 khía cạnh trên, và nhấn mạnh rằng từng khía cạnh đều có sự tác động liên tục đến những khía cạnh còn lại.

Quan điểm này của triết học Hermetic có sự tương đồng đối với những gì luật Hấp dẫn đã dạy cho chúng ta, cụ thể, suy nghĩ nơi ta (tâm thức) có thể trực tiếp ảnh hưởng tới thế giới xung quanh (thế giới vật chất). Tương tự, khía cạnh tinh thần và trạng thái cảm xúc, cũng có những tác động chân thực, định hướng đời sống một người sẽ phát triển ra sao.

Những khía cạnh này có liên quan mật thiết đến từng làn sóng rung động, đặc biệt là môi trường quanh ta (môi trường vật chất) sẽ biến đổi tần suất rung động sao cho tương thích với tần suất dao động của suy nghĩ. Trong khi đó, tần suất dao động của suy nghĩ lại một phần được quyết định dựa trên tần suất rung động của tinh thần.

Bởi vậy, như luật Hấp dẫn đã dạy ta, tăng tần suất rung động tinh thần chính là con đường hướng ta về với một cuộc sống vật chất giàu đẹp và đong đầy hơn.

Các quy luật của Vũ trụ – 7 Nguyên lý Hermetic

Hiện bạn đã có được những kiến thức cơ bản về bản chất, và nguồn cội của học thuyết Hermeticism, chúng ta có thể chuyển sang khai thác sâu hơn vào từng nguyên lý Hermetic.

Từng nguyên lý này có thể giúp bạn hiểu rõ hơn về vũ trụ hiện hành. Thêm vào đó, nó còn có thể hỗ trợ bạn đưa ra những quyết định thực tế, tiếp bước bạn đến với mục đích đích thực của bản thân.

Xuyên suốt bài viết này, bạn và tôi sẽ cùng tìm hiểu thêm về một vài phương pháp cụ thể, giúp bạn liên kết những điều đã học hỏi được với những công việc hiện hữu, dựa vào luật Hấp dẫn.

Như đã đề cập tới ở phần trên, luôn có những mối nối sâu xa, to lớn giữa những điều mà luật Hấp dẫn truyền tải lại cho con người, và những trí khôn tiềm ẩn bên trong từng nguyên lý Hermetic.

1. Nguyên lý Tâm thức (The Principle of Mentalism)

“Vạn vật hữu hình đều là Tâm trí, vũ trụ chính là Tâm thức.” (The all is mind; the universe is mental)

Trước hết, nguyên lý Tâm thức nhấn mạnh rằng, xét trên mức độ cơ bản nhất, tất cả mọi thứ trong vũ trụ này đều khởi phát do tâm. Theo một ý nghĩa nào đó, chính vũ trụ là một tâm thức sống, kết nối với mọi loại tâm thức khác. Bởi vậy, mọi hành động và suy nghĩ phát sinh nơi ta đều là sự cộng hưởng giữa nhiều góc độ khác biệt của tâm thức.

Nguyên lý Tâm thức chỉ ra rằng, tất cả chúng ta đều là một thể thống nhất, không hai, không khác, và bối cảnh xung quanh đều là hệ quả của tâm thức chúng ta.

Khi bạn đã hiểu rõ chân tướng về Tâm thức, bạn sẽ nhận ra rằng bạn có khả năng xoay chuyển thực tại ra sao, khi chỉ dựa vào tâm trí của bản thân.

Một bài học quan trọng khác từ nguyên lý này đó chính là, nếu ta có những tư tưởng đúng đắn, ta sẽ hành động đúng đắn – điều này nhắc nhở ta phải cẩn trọng trong việc lên kế hoạch, dành thời gian quán chiếu niềm đam mê đích thực của bản thân, để hoạch định cho tương lai.

Khi ấy, mọi suy nghĩ nơi ta đều sẽ cảm ứng với Vũ trụ rộng lớn, chiêu cảm lấy thực tế mà ta hằng mong ước.

Yếu tố trực giác cũng đóng một vai trò đáng kể (chúng ta sẽ cùng bàn luận về điểm này ở nội dung phía dưới), tuy vậy, các giáo lý Hermetic vẫn nhấn mạnh vào sức mạnh của lý trí và óc thông minh, cảnh tỉnh con người ta khỏi những lựa chọn bồng bột.

Hermetic

2. Nguyên lý Tương ứng (The Principle of Correspondence)

“Trên sao, dưới vậy, dưới thế nào, trên thế ấy. Trong sao, ngoài vậy, ngoài thế nào, trong thế ấy.” (As above, so below, as below, so above. As within, so without, as without, so within)

Trọng điểm của Nguyên lý Tương ứng chính là, luôn có một mối liên kết chặt chẽ trên 3 bình diện vật chất, tâm trí và tinh thần. Bởi vậy, nếu ta muốn thấu rõ về quy luật chung của đời sống thường nhật, ta buộc phải xoáy vào cả 3 khía cạnh này.

Nguyên lý Tương ứng ngụ ý ta phải chấp nhận thực tại rằng, ta không có đủ khả năng để thâm nhập sâu vào tất cả các bình diện cấu thành nên sự sống, tuy nhiên, những môn đồ của trường phái Hermetic lại tin tưởng vào một trực giác như thứ vàng mười đã qua thử lửa, có thể đưa ta tiến gần hơn đến với từng thế giới lớn siêu việt, hoặc thua kém hơn.

Tập trung vào linh tính (như một xúc cảm “lôi kéo” khó có thể giải thích, hướng ta đến với một sự kiện, hoặc một con người nào đó) có thể giúp ta hiểu hơn về mối liên kết giữa đời sống thực tại và thế giới tâm linh siêu việt.

Nguyên lý Tương ứng, đồng thời, cũng được liên hệ tới những sự việc lặp lại, lớn nhỏ khác biệt, như một lời nhắc nhở về những bối cảnh tiếp tục tái diễn trong đời sống chúng ta, phản ánh về mối liên hệ mật thiết giữa khía cạnh thể chất, tâm trí và tinh thần của con người. Ví dụ, đời sống tinh thần suy kiệt có thể khiến cơ thể con người mệt mỏi và mất sức sống. Xét về khía cạnh tích cực, thực hành các nghi thức bày tỏ lòng biết ơn mỗi ngày, có thể đong đầy khía cạnh tinh thần, dẫn đến những tiến bộ đáng kể về sức khỏe thể chất.

3. Nguyên lý Dao động (The Principle of Vibration)

“Không tồn tại trạng thái bất động, vạn vật đều chuyển động, vạn vật đều dao động.” (Nothing rests; Everything moves; Everything vibrates)

Đối với những ai đã hiểu được quy luật Hấp dẫn, ắt sẽ cảm thấy quen thuộc khi nhắc tới Nguyên lý thứ 3 này. Để giải thích một cách giản đơn, vạn vật đều mang trong mình một dạng năng lượng đặc biệt, trên mọi phương diện có thể xét đến.

Trên thực tế, ngay cả những cấu trúc phân tử nhỏ bé nhất của vũ trụ cũng có một tần suất rung động của riêng nó, và tác động đến môi trường xung quanh.

Quan trọng hơn hết, nguyên lý này muốn nói với chúng ta rằng, những điều mang cùng một mức năng lượng lớn sẽ thu hút lẫn nhau, cộng hưởng hài hòa trên một mức độ cơ bản. Trong khi đó, những điều mang mức năng lượng thấp sẽ thu hút những nguồn năng lượng thấp khác. Bởi vậy, để có thể sống một cuộc sống đong đầy hạnh phúc, ta có thể hưởng lợi từ việc hướng đến những mức năng lượng cao hơn. Chính cách hiểu này đã tô đậm cho luật Hấp dẫn “những gì bạn yêu thích, đều sẽ đến với bạn” (like attracts like).

Nếu bạn có thể tăng tần suất rung động của bản thân, bạn sẽ chiêu cảm được những sự kiện, con người, và của cải mang tính tích cực, với mức năng lượng cao hơn, vào trong cuộc sống. Mặt khác, nếu bạn đắm chìm vào những điều tiêu cực, sẽ rất khó có thể thu hút được những điều mà bạn hằng mong mỏi.

Tất cả các bậc thầy trong việc làm chủ bản thân, và các môn đồ Hermetic đều tin rằng, suy nghĩ của chúng ta có thể được tinh chỉnh. Bằng cách này, ta có thể làm tần suất rung động của bản thân liên tục cao hơn, tới mức, có thể thay đổi cục diện đời sống.

4. Nguyên lý Đối cực (The Principle of Polarity)

“Vạn vật đều có tính đối ngẫu, vạn vật đều có những đối cực, và các cặp đối nghịch. Sự giống-khác cũng đều là một thể; các mặt đối lập giống nhau về bản chất, nhưng khác biệt về cấp độ; Từng đối cực giao nhau; Mọi chân lý đều có tính bất toàn; mọi nghịch lý đều có thể hòa giải.” (Everything is dual, everything has poles and everything has its pair of opposites; Like and unlike are the same; Opposites are identical in nature, but different in degree; Extremes meet; All truths, are but half-truths; All paradoxes may be reconciled)

Nguyên lý Đối cực cho thấy, vạn vật đều có mặt tương phản, và chính mặt tương phản đó giúp ta định nghĩa về cuộc sống.

Ví dụ, nếu không thể hiểu được cảm giác túng thiếu, ta khó có thể tập trung và trân trọng sự trù phú.

Từng đối cực của trải nghiệm cuộc sống giúp ta tránh vướng phải lối suy nghĩ coi mọi thứ như thể lẽ đương nhiên.

Nguyên lý này cũng thường được con người ta hiểu rằng, vạn vật đều mang trong mình tính đối ngẫu. Bởi vậy, trong thâm tâm ta luôn tồn tại tình yêu song hành với sự gét bỏ, tính tích cực và từng xúc cảm tiêu cực, cũng như niềm vui và nỗi buồn vậy.

Ta phải nhận ra được những mặt tương phản này để quán chiếu xem chúng mang lại những ý nghĩa ra sao. Ta nên biết cách tận dụng sức mạnh của ý chí để đứng về phía thái cực mang lại nhiều lợi ích cho ta hơn, khi đối trước bối cảnh thực tại.

Một phương pháp để vận dụng Nguyên lý Đối cực vào đời sống thường nhật đó chính là khuyến khích bản thân nhìn nhận từng khía cạnh tương phản để thúc đẩy tần suất rung động.

Ví dụ, đối với mọi trở ngại bạn đã phải đương đầu, hãy thách thức bản thân nhớ về ít nhất là một điều tốt đẹp, sau đó, ý thức đến cách bạn đã trân trọng điều tốt đẹp nhỏ bé đó ra sao, tình cảm đó đã được củng cố mạnh mẽ thế nào, khi phải đối mặt với những thách thức trước đó.

Hãy tự ý thức được rằng, những biến cố xảy đến với bạn đã giúp định hướng bạn tiến bước tới khía cạnh tương phản của nó, tiến bước về những tương lai tốt đẹp mà đầy hào quang rạng ngời.

 Hermetic

5. Nguyên lý Tiết nhịp (The Principle of Rhythm)

“Vạn vật đều tuôn chảy, trút ra và rồi sẽ lại chảy vào; Vạn vật đều mang trong mình từng rung động của thủy triều, tất cả đều dâng lên và hạ xuống thấp.” (Everything flows, out and in; Everything has its tides; All things rise and fall)

Một trong những điều cốt yếu ta có thể học hỏi được từ Nguyên lý Tiết nhịp đó chính là, vạn vật luôn vận động không ngừng nghỉ.

Mọi đổi thay ta đã từng thể nghiệm qua, luôn mang trong mình một hình hài khuôn mẫu.

Vạn vật từ nguyên thủy cho tới nay, đều trầm luân trong vòng xoáy sinh-tử, và rồi lại tái sinh.

Nguyên lý này đúng với bốn mùa trên Trái đất, cũng tương tự như với cơ thể ta vậy đó.

Ý nghĩa cốt lõi ở đây có thể được mô tả với biểu tượng con lắc. Hãy thử tưởng tượng về một con lắc đung đưa liên hồi từ trước ra sau, liên tục chạm tới độ cao tối đa, và đáy điểm tối thiểu. Ta liền cảm tưởng rằng, luôn có một điều gì đó có thể lường trước, và không thể tránh khỏi, kèm với đó là một thông điệp rằng, vạn sự trên đời không bao giờ đứng yên.

Nguyên lý Tiết nhịp có thể giúp ta thực hành chánh niệm, thúc đẩy tính hiệu dụng của luật Hấp dẫn.

Đặc biệt, nó nhất mạnh rằng không có gì là mãi mãi, bất kể những điều ta gặp phải, là tốt, hay là xấu. Tất cả những gì chúng ta có, chính là thời khắc hiện tại; hoàn toàn hòa mình vào với nhịp độ đời sống, sẽ đảm bảo rằng ta đã học hỏi và thể nghiệm đủ đầy.

Tập trung khai thác ý tưởng này như một phần của giai đoạn hành thiền, và bạn sẽ thành công thoát khỏi những ý niệm vụn vặt, về quá khứ, và về những nỗi âu lo dành cho tương lai. 

6. Nguyên lý Nhân quả (The Principle of Cause and Effect)

“Gieo nhân nào thì gặt quả đó, quả nào cũng đều tương ưng với một nhân.” (Every cause has its effect; Every effect has its cause)

Quy luật Nhân quả mô tả mối nối giữa từng hành động và trải nghiệm nơi ta, đối với từng biến cố mà ta gặp phải trên đường đời.

Hay nói cách khác, mọi hành động đều sẽ chiêu cảm lấy một hệ quả, không có điều gì tồn tại độc lập riêng lẻ.

Thêm vào đó, mọi may mắn hay cơ hội đơn thuần, thực chất, không hề tồn tại. Luôn có một lý do cho từng sự việc xảy đến với ta.

Học thuyết Hermeticism thường khuyến khích con người ta làm chủ cuộc sống, về bản chất, ta sẽ trở thành “nhân” hơn là trở thành “quả”. Hãy tự quyết định bản thân muốn làm gì, và trở thành một người ra sao. Sau đó, lên kế hoạch cho từng bước hành động chính xác, và cần thiết, để đạt được mục tiêu đã đề ra.

Nguyên lý này thúc đẩy con người ta xét nghĩ về những ảnh hưởng sâu rộng đến từ từng quyết định chọn lựa.

Thêm vào đó, nó khuyến khích ta vạch rõ những yếu tố tác động nên đời sống thường nhật (dù tốt hay xấu). Ví dụ, khi áp dụng Nguyên lý Nhân quả đối với quá trình làm chủ đời sống, bạn có thể hiểu được thế giới tinh thần có thể trực tiếp tác động đến môi trường xung quanh bạn (cũng như những người khác) ra sao. Nếu bạn tập trung vun đắp một đời sống nội tâm phong phú tốt tươi, nó sẽ mang lại những đổi thay tích cực trong đời sống bên ngoài. Trong khi đó, nếu bạn càng để mình mắc kẹt trong môi trường suy nghĩ tiêu cực bao nhiêu, thế giới nội tâm của bạn ắt sẽ chịu bấy nhiêu cực khổ.

7. Nguyên lý Giới tính (The Principle of Gender)

“Giới tính nằm trong vạn vật; Vạn vật đều ẩn chứa các nguyên lý về tính nam và tính nữ.” (Gender is in everything; Everything has its masculine and feminine principles)

Nguyên lý về Giới tính chỉ cho ta rõ, tính nam và tính nữ có thể được tìm thấy trong vạn vật, không chỉ dừng lại ở con người, mà trên mọi bình diện vật chất, tinh thần và tâm thức. Tuy nhiên, quan trọng là ta phải nhận thức được rằng, không nhất thiết phải tin vào các định kiến về giới tính, cũng như những quan điểm về vai trò của từng giới, để có thể tận dụng nguyên lý này.

Nguyên lý về Giới tính không tập trung nhiều vào các đặc điểm sinh học, mà là sự nhận thức về từng nguồn năng lượng khác biệt của tính nam và tính nữ. Nhìn chung, tính nam được thể hiện thông qua óc quả quyết, niềm đam mê khám phá, và sự đổi mới. Tính nữ được thể hiện qua khả năng suy xét cẩn thận, đùm bọc và nuôi dưỡng.

Ta sẽ khai thác được tối đa sức mạnh của bản thân khi xác định rõ ràng từng nguồn năng lượng bên trong theo những phương thức phù hợp. Những tín đồ của trường phái triết học Hermetic thường có niềm tin rằng, con người ta là sự tổng hòa của 2 nguồn năng lượng ấy.

Nguyên lý về Giới tính có thể được xem như một nguồn cảm hứng, để ta cân bằng và ứng dụng từng khía cạnh của tính nam và tính nữ. Nếu chỉ tập trung vào một trong hai mức năng lượng này, tần suất rung động nơi ta ắt sẽ giảm sút, ví dụ, nếu mang quá nhiều năng lượng của tính nam, con người ta sẽ trở nên bất cẩn, và đánh mất quan điểm. Mặt khác, nếu mang quá nhiều tính nữ, ta có thể trở nên trì trệ trong từng hành động. 

—————

Tác giả: KATHERINE HURST

Link bài gốc: 7 Hermetic Principles: Laws Of The Universe According To The Kybalion

Dịch giả: Trần Ngọc Phương Thư –  ToMo Learn Something New

Chim Én

Leave a Reply

Your email address will not be published. Required fields are marked *