Quách Gia (chữ Hán: 郭嘉; 169 – 208), tự Phụng Hiếu (奉孝), quê quán Dĩnh Châu, được mệnh danh là “Quách quỷ tài” là một “bất bại quân sư” khác của Tào Mạnh Đức – Tao Tháo. Hắn bất bại, chẳng phải vì đối phương quá nhược bạc. Hắn bất bại, bởi nhìn thấu được địch thủ của mình.
Đến với Tào Tháo qua Tuân Úc
Quách Gia tới yết kiến Viên Thiệu và ở Viên gia một thời gian nhưng không được trọng dụng nên bỏ đi. Sau đó nhờ sự cất nhắc của Tuân Úc vì là người đồng hương ở Dĩnh Châu mà Quách Gia yết kiến với Tào Tháo. Sau bàn luận chuyện thiên hạ thì Tào Tháo đã mến tài năng Quách Gia và từ đó Quách Gia đi theo Tào Tháo.
Quãng đời chinh chiến của Quách Phụng Hiếu kéo dài 11 năm, chưa khi nào nhìn nhầm đối thủ, chưa khi nào có quyết định sai lầm, xứng đáng với ba chữ “Vua Quyết Sách”.
Quách Gia hiến kế bắt Lữ Bố
Lúc thế cục phương Bắc còn mơ hồ, chính là hắn đã khuyên Tào Tháo nhân cơ hội Viên Thiệu đánh Công Tôn Toản mà lập tức tiến đánh Lữ Bố thu Từ Châu. Từ Châu đánh Lữ Bố, giằng co lâu ngày, ngay lúc sĩ tốt đã mỏi mệt, Tào Tháo muốn rút quân quay về, chính là hắn khuyên Tào Tháo đừng buông bỏ mà tiếp tục tấn công Hạ Phì. Bởi hắn nhìn ra:
“Lữ Bố là kẻ hữu dũng vô mưu, nay giao chiến ba trận đều thua cả, nhuệ khí đã suy rồi vậy. Ba quân lấy tướng soái làm đầu não, tướng đã suy thì quân thì quân không có ý chí phấn đấu. Trần Cung có trí mưu nhưng chậm chạp, nay chí khí của Bố chưa hồi phục, mưu kế của Cung chưa định, ta tiến đánh gấp, có thể bắt được Bố vậy”.
Rốt cuộc, chủ tử của hắn bắt giết chiến thần, độc chiếm Từ Châu. Là Lữ Bố quá dễ đoán hay do hắn quá tự tin?
Đánh tan quân Viên Thiệu
Quan Độ đấu Viên Thiệu, lúc chủ tử của hắn còn e ngại Viên Bản Sơ trong tay chiếm bốn châu Thanh-Tinh-U-Ký, đất rộng binh cường; chính là hắn đã nêu ra Thập Thắng Luận, củng cố lòng tin cho Tào Tháo.
Trong khi Điền Phong khuyên Viên Thiệu “xuất quân lúc này sẽ bất lợi”, Hứa Du khuyên Viên Thiệu “ lương thảo đầy đủ lợi thế là thủ, không đánh Tào Tháo cũng sẽ thua”; thì chính là hắn đã vạch rõ cho Tào Tháo hay “Viên Thiệu có thể thủ, nhưng thừa tướng không thể nào làm như vậy, quân ta tinh nhuệ một chọi lại mười, cần phải tác chiến ngay lập tức, chần chừ đôi lúc lòng quân phập phồng thì rất nguy hiểm”. Cái nhìn của ba mưu sĩ là hoàn toàn tương đồng về mặt chiến lược: Viên chỉ cần thủ, Tào buộc phải công. Chỉ là, sự khác biệt nằm ở chủ soái: “Thiệu bề ngoài thì khoan hoà song bên trong lại nghi kỵ, dùng người mà trong lòng đầy ngờ vực”, còn Tháo “bề ngoài giản dị dễ gần mà bên trong thì sáng suốt khéo léo, dùng người thì không chút ngờ vực, chỉ cần có tài là được dùng”, rốt cục Thiệu thua vì bị Hứa Du bán đứng, vì không tin tưởng Trương Cáp, Cao Lãm. Điều này chính Quách quỷ tài hắn đã nhận ra từ ngày bỏ Viên Thiệu ra đi rồi.
Rốt cuộc, hắn chọn đúng chủ tử mà thờ. Còn người đã từng là chủ tử của hắn, vì bị hắn nhìn thấu nên không giữ được hắn, đi vào diệt vong.
Quan Độ giằng co, Tôn Sách rục rịch muốn xuất binh Hứa Đô, trong lúc quân tâm dao động, chính là hắn vạch rõ:
“Tôn Sách mới bình định được Giang Đông, những kẻ bị Sách giết đều là những bậc anh hùng hào kiệt, mà dưới trướng họ có nhiều người sẵn sàng lấy cái chết để báo thù cho chủ. Thế mà Sách lại rất coi thường không chịu phòng bị. Dẫu dưới tay Sách có trăm vạn quân, cũng chẳng khác gì một mình đi giữa Trung nguyên. Ví như có kẻ thích khách mai phục đánh lén, cũng chỉ là một người đánh một người. Thế nên tôi cho rằng, Sách tất sẽ chết bởi tay của một kẻ thất phu mà thôi”.
Rốt cuộc, Sách chưa qua được sông Dương Tử thì đã chết. Tào quân được an toàn sau lưng mà toàn lực vung tay định Hà Bắc. Là hắn gặp may mà đoán trúng hay hắn thật sự có tài ngang quỷ thần?
Lê Dương bại Viên Đàm-Viên Thượng, giữa lúc chư tướng muốn thừa thắng tấn công, chính là hắn chỉ ra:
“Viên Thiệu vốn rất yêu quý hai đứa con này, không quyết được nên lập đứa nào. Lại có Quách Đồ, Phùng Kỷ là mưu thần giúp hai người, thế tất hai bên sẽ giao đấu với nhau, rồi đường ai nấy đi. Ta mà đánh gấp, ắt họ sẽ cùng hợp sức chống giữ, còn nếu ta trì hoãn tấn công thì họ sẽ tranh giành kèn cựa lẫn nhau. Chẳng bằng ta quay về Nam nhằm hướng Kinh Châu làm bộ đánh Lưu Biểu, đợi nội bộ họ sinh biến; họ đã có biến rồi ta sẽ xuất kích sau, như thế có thể chỉ một trận là đánh được.”
Dưới sự phò tá của ông, Tào Tháo lấy yếu thắng mạnh, hạ gục Viên Thiệu, giành được thắng lợi trong đại chiến Quan Độ. Từ đó, Tào Tháo gần như đã thống nhất được phương Bắc.
Sau trận Quan Độ, Tào Tháo muốn nhân cơ hội tấn công và tiêu diệt đến cùng các con trai của Viên Thiệu, đó là Viên Đàm và Viên Thượng. Khi đó, Quách Gia đã lên tiếng phản đối, đồng thời khuyên Tào Tháo nên lui binh. Tào Tháo đã nghe lời Quách Gia. Kết quả, anh em họ Viên vốn có mâu thuẫn, huynh đệ tương tàn, còn Tào Tháo chỉ cần ngồi ngoài để hưởng lợi.

Giúp Tào Tháo lấy được Ký Châu – bình định phương Bắc
Rốt cuộc, Tào quân lui đến Tây Bình thì Đàm-Thượng đã tranh giành Ký Châu. Đàm bị quân của Thượng đánh bại, chạy về giữ đất Bình Nguyên. Tào Tháo nhân đó yên định được Nghiệp Thành, bình định được Ký Châu. Là do anh em họ Viên quá bất tài hay là do hắn quá hiểu tâm lý con người – “Nguy cấp ắt hợp, hết nguy lại lìa”? (lời của Kim Thánh Thán)
Ô Hoàn viễn chinh Đạp Đốn, trong lúc chư tướng còn lo ngại Lưu Biểu và Lưu Bị sau lưng, chính là hắn nhìn thấy được:
“Biểu chỉ ngồi bàn chuyện suông với khách mà thôi, tự biết rằng chẳng đủ tài để dùng Bị, nếu trọng dụng ắt sợ rằng không thể chế ngự được Bị, nếu dùng Bị vào việc nhỏ ắt Bị không chịu làm, thế dẫu có bỏ trống nước mà đi chinh phạt nơi xa, minh công cũng không cần gì phải lo lắng cả”.
Rốt cuộc, Tào quân an tâm tiến sâu vào vùng Đông Bắc. Cũng chính là hắn thuyết phục Tào Tháo cho quân vứt bỏ tư trang, tăng tốc độ hành quân nhằm tạo bất ngờ cho địch thủ, không ngại xa xôi để trừ tận gốc hậu hoạn họ Viên. Rốt cuộc, Tào Tháo bình định bốn châu, thống nhất phương Bắc. Công lao của hắn, được Tào Tháo gói gọn trong biểu dâng Hán Hiến Đế:
“Quân sư Tế tửu Quách Gia, từ lúc theo thần đi chinh phạt, đến nay đã được mười một năm. Mỗi khi có việc, liệu địch ứng biến. Có lúc kế sách của thần còn chưa định, Gia đã quyết ý xong rồi. Việc bình định thiên hạ, công của Gia rất cao”.
Điều gì tạo nên một “Quách quỷ tài” như vậy?
Tào Tháo từng nói về Quách Gia “Gia nhìn thời sự, binh sự đều hơn hẳn người khác”. Quả vậy, dù là trong chiến dịch nào, trước đối thủ nào, hắn đều phán đâu trúng đó, đem lại thắng lợi liên tiếp cho Tào Tháo. Thật ra, dù là “thời sự” hay “binh sự” thì chung quy cũng là “nhân sự”, yếu tố con người vẫn quyết định tất cả. Hắn hiểu rõ con người Lữ Bố, hiểu rõ con người Viên Thiệu, hiểu rõ con người Lưu Biểu, hiểu rõ con người Tôn Sách, hiểu rõ con người Viên Thượng…vì thế mà định đâu trúng đó không hề sai lệch. Chính vì vậy, đang trên đà thắng Đàm Thượng thì lại chủ động lui quân để đối phương tự tàn sát, Ô Hoàn xa xôi thì lại dám mạo hiểm viễn chinh mà chẳng sợ Lưu Biểu chen ngang, án binh bất động để Công Tôn Khang dâng đầu Hy-Thượng, đều là những quyết định kinh tâm động phách, khác xa thường nhân, bình thường ít ai dám nghĩ.
Gia Cát Lượng ẩn cư Long Trung, tự ví mình với Quản Trọng, đâu phải chỉ là nói suông? Để có được đại kế Long Trung Sách chia ba thiên hạ, chân ông ta đã phải đi qua bao nhiêu nơi, gặp bao nhiêu người? Để tinh tường thiên văn địa lý, địa hình quân sự, khu xử chính trị, nhân tâm được mất, mắt ông ta đã phải đọc bao nhiêu sách, tai ông ta đã phải nghe bao nhiêu chuyện?
Quách Phụng Hiếu cũng vậy, “từ thủa nhỏ đã có tầm nhìn xa. Thời Hán mạt thiên hạ nhiễu loạn. Lúc hai mươi tuổi mai danh ẩn tích, bí mật kết giao với những người tuấn kiệt, không giao tiếp với tục nhân, cho nên phần lớn những người cùng thời chẳng mấy ai biết đến, chỉ có những bậc thức giả mới biết được” (Tam Quốc Chí – Quách Gia truyện). Từng dưới trướng Viên Thiệu, rồi lại bỏ đi – được Tuân Úc tiến cử, quyết theo Tào Tháo – những điều ấy đâu phải ngẫu nhiên, mà là kết quả của cả một quá trình quan sát, suy nghĩ, lựa chọn. Hiểu thấu tất cả các đối thủ, quyết sách chưa từng sai lầm, chẳng phải nhờ quan sát, tích lũy kinh nghiệm, lắng nghe, phân tích thật nhiều hay sao? Thiên tài hay quỷ tài, suy cho cùng vẫn là từ khổ luyện chân chính, trải nghiệm hết thảy mà nên đó thôi!
Quách Gia chưa từng giao chiến trực tiếp với Gia Cát Lượng, vì thế chúng ta cũng không biết rốt cuộc ai tài giỏi hơn. Thật ra phía sau câu nói “Quách Gia không chết, Ngoạ Long không xuất hiện”
11 năm phục vụ Tào Tháo nhưng ra đi khi mới 37 tuổi
Những dự đoán và tầm nhìn, sự nhạy bén trước thời cuộc, “biết địch, biết ta” của Quách Gia đã giúp Tào Tháo rất nhiều trong công cuộc thống nhất phương Bắc. Đáng tiếc, một mưu sĩ tài năng như Quách Gia lại đoản mệnh. Sau khi Tào Tháo chinh phạt Ô Hoàn, khi về đến Liễu Thành thì Quách Gia bị ốm nặng và không lâu sau thì qua đời (năm 207) ở tuổi 37.
Tào Tháo vô cùng thương tiếc Quách Gia, thậm chí còn dự tính sau khi thiên hạ an định thì muốn đem hậu sự để phó thác cho vị mưu sĩ kỳ tài này. Đáng tiếc Quách gia lại yểu mệnh chết sớm giữa lúc tuổi đời còn trẻ như vậy.
——————–
- Làm lồng đèn ống lon của ngày xưa thập niên 90s - September 24, 2023
- Sống lạc quan theo triết lý khắc lỷ và chủ nghĩa hiện sinh - September 24, 2023
- 19 quy luật để có một cuộc sống tốt đẹp từ Marcus Aurelius - September 23, 2023